Dự án nào không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 23/2024?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/03/2024 11:00 AM

Tôi muốn biết những dự án nào không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP? – Phương Thảo (Sóc Trăng)

Dự án nào không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 23/2024?

Dự án nào không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 23/2024? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dự án nào không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 23/2024?

Cụ thể, các dự án không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định 23/2024/NĐ-CP gồm:

- Dự án sử dụng đất theo hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Dự án thuộc trường hợp và đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

- Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai.

(Khoản 6 Điều 1 Nghị định 23/2024/NĐ-CP)

Có bao nhiêu hình thức lựa chọn nhà đầu tư?

Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà đầu tư có thể là nhà đầu tư độc lập hoặc nhà đầu tư liên danh.

Theo Điều 34 Luật Đấu thầu 2023, sẽ có 02 hình thức lựa chọn nhà đầu tư:

(1) Đấu thầu rộng rãi: Đấu thầu rộng rãi được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh mà không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự.

(2) Đấu thầu hạn chế: Đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ hoặc có tính đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án được mời tham dự thầu.

03 phương thức lựa chọn nhà đầu tư năm 2024

Cụ thể tại Điều 35 Luật Đấu thầu 2023 quy định về các phương thức lựa chọn nhà đầu tư như sau:

(1) Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:

- Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư;

- Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

- Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu.

(2) Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:

- Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về kiến trúc;

- Nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

- Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

(3) Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ:

Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của ngành, vùng, địa phương nhưng chưa xác định được cụ thể tiêu chuẩn về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 447

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn