Quân nhân dự bị là ai? Trách nhiệm của quân nhân dự bị

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
02/11/2022 18:01 PM

Quân nhân dự bị là ai? Và trách nhiệm của quân nhân dự bị được quy định như thế nào? - Kim Châu (Long An)

Quân nhân dự bị là ai? Trách nhiệm của quân nhân dự bị

Quân nhân dự bị là ai? Trách nhiệm của quân nhân dự bị (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quân nhân dự bị là ai?

Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 28/2019/NĐ-CP thì quân nhân dự bị là công dân Việt Nam được đăng ký vào ngạch dự bị động viên, gồm: Sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 thì quân nhân dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự bao gồm:

- Sĩ quan dự bị;

- Quân nhân chuyên nghiệp dự bị;

- Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.

2. Trách nhiệm của quân nhân dự bị

Trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên theo Điều 4 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 như sau:

- Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:

+ Kiểm tra sức khỏe;

+ Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

+ Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;

+ Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

- Quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:

+ Thực hiện quy định đối với Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên;

+ Nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo;

+ Quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

+ Quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

3. Đăng ký, quản lý quân nhân dự bị

Việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị theo Điều 12 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 như sau:

- Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân cư trú tại địa phương.

Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký quân nhân dự bị tại nơi cư trú.

- UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện quản lý quân nhân dự bị cư trú tại địa phương.

- Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

- Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký quân nhân dự bị.

4. Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình

Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình theo Điều 17 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 như sau:

- Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:

+ Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;

+ Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

5. Chế độ sinh hoạt của quân nhân dự bị

Theo Điều 23 Luật Lực lượng dự bị động viên 2019 thì chế độ sinh hoạt của quân nhân dự bị được quy định như sau:

- UBND cấp huyện tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên.

- UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên.

>>> Xem thêm: Quân nhân dự bị được hưởng mức phụ cấp là bao nhiêu? Điều kiện và thời gian hưởng phụ cấp của quân nhân dự bị được quy định như thế nào?

Quân nhân dự bị được tiến hành kiểm tra sức khỏe vào thời gian nào? Tổ kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị do cơ quan nào ra quyết định thành lập?

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 41,225

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn