05 điều cần biết khi CSGT dừng xe kiểm tra

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/03/2022 11:26 AM

Khi tham gia giao thông mà bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra hành chính thì người dân cần biết 05 điều sau để đảm bảo quyền lợi và cư xử đúng luật.

05 điều cần biết khi CSGT dừng xe kiểm tra

05 điều cần biết khi CSGT dừng xe kiểm tra (Ảnh minh họa)

1. CSGT có thể dừng xe ngay cả khi không có vi phạm giao thông

Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, nếu người dân không vi phạm thì CSGT vẫn có thể dừng xe để kiểm tra nếu có chuyên đề đã được phê duyệt, văn bản đề nghị của Thủ tướng,... như trên.

(Khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA)

2. CSGT có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm giao thông

Theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Như vậy, CSGT có nghĩa vụ chứng minh người dân vi phạm giao thông, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không vi phạm.

Ngoài ra, người vi phạm đề nghị được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị (tại điểm a khoản 3 Điều 19 Thông tư 65/2020/TT-BCA)

3. Khi dừng xe thì CSGT sẽ kiểm tra những gì?

- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:

+ Giấy phép lái xe;

+ Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;

+ Giấy đăng ký xe;

+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định);

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông

+ Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới;

+ Kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông theo quy định;

+ Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng;

- Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.

(khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA)

4. Người dân không được kiểm tra chuyên đề của CSGT

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính thì CSGT phải công khai các nội dung sau đây:

- Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

- Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

- Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

- Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;

- Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

- Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định CSGT công khai chuyên đề thông qua một hoặc tất cả các hình thức sau:

- Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

- Đăng Công báo.

- Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

- Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người dân không được kiểm tra chuyên đề của CSGT khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

5. Người dân có thể quay phim, chụp hình CSGT khi bị dừng xe kiểm tra

Người dân được giám sát CSGT khi bị kiểm tra bằng các hình thức sau:

- Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Như vậy, người dân có thể quay phim, chụp hình CSGT để giám sát khi bị kiểm tra. Tuy nhiên, khi quay phim, chụp hình phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

- Chỉ được quay phim, chụp hình ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông)

(Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự)

- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

(Khoản 2 Điều 4, Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA).

>>> Xem thêm: Cảnh sát giao thông được dừng xe để kiểm tra trong những trường hợp nào? Cần tuân thủ những yêu cầu gì khi dừng xe?

Người lái xe máy tham gia giao thông phải đem theo những giấy tờ gì? Trường hợp không đem theo đầy đủ giấy tờ thì có bị xử phạt không?

Cảnh sát giao thông có được tự ý dừng xe người đi đường để xử phạt hành chính hay không? Khi dừng xe người khác thì phải đảm bảo yêu cầu gì?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 100,600

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn