Lãi suất họ, hụi, phường nên quy định thế nào?

24/05/2017 08:49 AM

Vấn đề nóng nhất trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường chính là lãi suất. Theo quy định hiện hành, các bên được thỏa thuận lãi, nhưng thực tiễn cho thấy đã không ít người lợi dụng bỏ lãi suất cao để hốt họ.

Khi họ, hụi… biến tướng

Theo Khoản 3, Điều 479 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (nay Khoản 4 Điều 471 BLDS năm 2015) và Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, Nhà nước nghiêm cấm tổ chức họ, hụi để cho vay nặng lãi. Tuy nhiên trên thực tế, những người cho vay đã biến tướng bằng hình thức cho vay nặng lãi, đôi khi có cả việc lạm dụng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức trả lãi suất rất cao. Có thể thấy rõ vấn đề này qua một số vụ việc điển hình tại một số các tỉnh, thành phố lớn. Tháng 12.2008, bà Huỳnh Thị Ng, 46 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh bị hàng trăm đơn tố cáo chiếm đoạt 25 tỷ đồng thông qua hình thức chơi họ, huy động vốn. Theo đơn, bà Ng đã tổ chức 63 dây họ (mỗi dây 51 phần) với hơn 500 người tham gia từ năm 2008. Sau khi tạo được lòng tin, bà Ng huy động vốn của nhiều người và hứa trả lãi suất cao, đến ngày 10.11.2008, các họ viên lần lượt hốt họ thì chủ họ nói chưa có tiền để trả và tuyên bố mất khả năng thanh toán.

Trường hợp này, nếu giải quyết theo quy định của pháp luật thì khi tính lãi suất, bà Ng lại có lợi mà không bị xử lý gì vì không có chế tài. Ngoài ra, trường hợp khi thành viên đã hốt họ rồi sau đó không đóng họ nữa nên bị các thành viên khác khởi kiện. Tòa án khi buộc thành viên đó phải trả số tiền họ gốc mà thành viên đó có nghĩa vụ nộp, còn tuyên phải trả cho các thành viên khác. Thực tế lãi suất là do các thành viên được lĩnh tự đặt ra, các thành viên khác được trả lãi khi đóng họ. Do đó, số tiền họ mà thành viên đã lĩnh trước đó phải nộp bao gồm cả tiền lãi, nên không tính lãi tiếp đối với số tiền họ còn thiếu mà chủ họ hoặc thành viên khác kiện đòi thành viên đó.

Họ, hụi, biêu, phường theo quy định của pháp luật là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người mang tính tự phát, không ràng buộc về thế chấp tài sản, khi bị vỡ họ dẫn đến tranh chấp gặp khó khăn trong việc khắc phục hậu quả vì không có tài hoặc tài sản bị tẩu tán (Báo cáo Tổng kết thi hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Bộ Tư pháp).

Đại diện VKSNDTC nêu thực tế, theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá 20%/năm… trường hợp không xác định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại điều luật này. Như vậy, Điều 468 BLDS 2015 quy định mức lãi suất như trên nhằm hạn chế tình trạng chơi họ, khi bỏ lãi cao hay huy động vốn thông qua họ trả lãi suất cao dẫn đến tình trạng vỡ họ, bỏ trốn. Nhưng thực tế họ, hụi, phường là một hình thức “tín dụng tự phát” không ràng buộc về thủ tục, lãi suất trần do Nhà nước quy định, thực tế lãi suất của họ bên ngoài rất cao so với quy định của pháp luật, nên cần điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thực tế và bảo đảm quyền lợi các bên.

Khó giải quyết

Thực tiễn thi hành pháp luật về họ, hụi, phường… cho thấy các thành viên tham gia thường là người buôn bán nhỏ, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, khi khởi kiện thường không chứng minh được tiền gốc, lãi. Chủ họ và họ viên chỉ thỏa thuận bằng lời nói, không có văn bản nên khi giải quyết rất khó xác định nếu các bên không thống nhất được hình thức góp họ, lãi… Thành viên đã nhận họ nhưng không có chứng cứ thể hiện, do đó không xác định được thời điểm trả các phần họ để tính lãi theo hướng dẫn tại Điều 30 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP. Nếu có tranh chấp khởi kiện ra tòa án thì chủ họ lại có lợi khi Tòa tính lại mức lãi suất theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, khi xảy ra tranh chấp nhiều người thường tố cáo chủ họ vào tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”, nhưng quá trình chứng minh chủ họ có ý thức lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của các họ viên thì hết sức nan giải. Một phần do chủ họ và các hội viên thỏa thuận bằng miệng, khi xảy ra “bể họ” lại không có giấy tờ, biên lai chứng minh, vì theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP thì, chỉ chủ họ mới được lập và giữ sổ họ và các giấy tờ liên quan đến họ. Đại diện TAND TP Hồ Chí Minh nêu thực tế, trong trường hợp họ không có chủ họ thì người tham gia họ ủy quyền cho một thành viên lập và giữ sổ họ; bên cạnh đó, do tin tưởng lẫn nhau nên khi góp tiền họ thì thành viên tham gia họ không yêu cầu chủ họ viết giấy đã giao tiền. Do đó, khi xảy ra tranh chấp hoặc có dấu hiệu tội phạm gây bất lợi cho chủ họ thì chủ họ thường hủy hoặc không giao nộp sổ họ nên khó xác định được chứng cứ để chứng minh số tiền bị thiệt hại của các thành viên còn lại.

Từ những vướng mắc trong quá trình giải quyết các tranh chấp về họ, hụi, phường… đã đến lúc cần nhìn nhận bản chất thương mại của hoạt động này. Bởi hình thức họ có lãi ngày càng phát triển, người chơi họ nhiều khi không quen biết nhau mà chỉ thông qua chủ họ và đằng sau câu chuyện tương trợ là nguồn tiền thu được từ việc tham gia họ. Hơn nữa, việc Nhà nước chỉ cấm tổ chức họ, hụi, phường… để cho vay nặng lãi mà không cấm vay nặng lãi cũng là một sơ hở tạo nên một số vướng mắc khi giải quyết án trong lĩnh vực này.

Nguyễn Minh

Theo Báo điện tử đại biểu nhân dân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,052

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn