Chấn chỉnh sai sót trong hoạt động xuất bản

30/03/2013 15:10 PM

(Chinhphu.vn) – Nhìn lại công tác công tác xuất bản và phát hành năm 2012, Cục trưởng Cục Xuất bản, ông Chu Văn Hòa nhận xét rằng, mặc dù số vi phạm bị phát hiện xử lý giảm nhưng vẫn xảy ra một số trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng...


Số lượng ấn phẩm tăng từ 310 triệu ấn phẩm năm 2011 lên 374 triệu ấn phẩm năm 2012 - Ảnh minh họa

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông vừa dành cho phóng viên Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi xung quanh vấn đề quản lý thị trường sách, hoạt động xuất bản…

PV: Ông có thể đánh giá tổng quát về công tác xuất bản và phát hành năm 2012.

Ông Chu Văn Hòa: Có thể nói năm 2012, ngành xuất bản và phát hành có nhiều bước tiến đổi mới. Điều đầu tiên là ngành xuất bản đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đó là việc xuất bản các loại ấn phẩm phục vụ cho tuyên truyền cho các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với số lượng và chất lượng nâng cao. Tiếp đến là việc số lượng tăng từ 310 triệu ấn phẩm năm 2011 lên 374 triệu ấn phẩm năm 2012. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,62 triệu USD tăng 4% so với năm 2011.

Chất lượng của từng ấn phẩm đã cải thiện rõ rệt trong khi giá không tăng. Ngoài ra các hoạt động của ngành được xúc tiến mạnh mẽ như phát triển văn hóa đọc, phong trào đưa sách tới vùng sâu, vùng xa. Bình quân đầu người năm 2011 là 3,1 đầu sách/ người nhưng năm 2012 đạt 3,4 đầu sách/người.

PV: Bên cạnh những cố gắng mà ngành xuất bản và phát hành đã đạt được trong năm 2012 thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, sai sót trong quá trình xuất bản, phát hành mà báo chí, dư luận đã nêu. Như vậy ngành xuất bản xử lý những hạn chế này như thế nào?

Ông Chu Văn Hòa: Có một số hiện tượng sai sót, vi phạm trong xuất bản, phát hành nhưng theo thống kê của Cục Xuất bản thì số vụ việc vi phạm cũng đã giảm so với năm 2011 và những năm trước đó. Tuy nhiên có một số trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng về ý thức dân tộc, về trình độ văn hóa, về trình độ chuyên môn.

Ngoài ra cũng còn một số sai sót về chuyên môn như việc đưa ra những phương pháp phản khoa học, phản cảm trong quá trình dạy học, hoặc còn sai sót nhiều trong bộ sách giáo khoa… Điều này có tác hại rất lớn đến văn hóa, tư duy nếu như không kịp phát hiện.

Như vậy, cho thấy vấn đề nhân lực, tức là trình độ của các biên tập viên còn yếu kém và cuối cùng những Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản để xảy ra sai phạm này có thiếu sót trong việc kiểm tra, kiểm soát điều hành hoạt động xuất bản.

Trong những trường hợp sai sót, Cục Xuất bản đã chỉ đạo cho các nhà xuất bản thu hồi ngay lập tức tất cả những ấn phẩm sai sót, chất lượng chưa cao. Sau đó có những nhắc nhở với trường hợp nhẹ, cảnh cáo và báo cáo cơ quan cấp trên xử lý với những trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc nghiêm trọng.

Ngoài ra để phòng ngừa các tình huống sai sót trong ngành, Cục Xuất bản phối hợp cùng Hiệp hội Xuất bản thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cho các nhà xuất bản về chuyên môn, về trình độ lý luận chính trị, thông báo các quy định, quy chế giúp các nhà làm sách có định hướng và phương pháp tránh sai sót, hạn chế.

PV: Còn một vấn đề hạn chế và nổi cộm lớn nhất trong ngành xuất bản đó là nạn in sách lậu và vi phạm bản quyền, ngành xuất bản đã có những biện pháp nào để loại bỏ vấn nạn này?


Ông Chu Văn Hòa

Ông Chu Văn Hòa: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã yêu cầu xử lý tình trạng này một cách rất quyết liệt trong Hội nghị tổng kết công tác xuất bản, phát hành năm 2012 ngày 27/3.

Theo tôi in lậu là căn bệnh trầm kha, có bệnh rồi nhưng phải tìm được thuốc để xóa bỏ triệt để. Nếu không căn bệnh này sẽ như loài hút máu, hút cạn kiệt sự phát triển của ngành xuất bản, phát hành.

Có những trường hợp in lậu ngay tại khu phố mà nhiều người biết nhưng tại sao nó vẫn tồn tại. Đấu tranh xóa in lậu phải của tất cả các ban ngành và toàn xã hội. Cục Xuất bản chỉ có 200 người trong cả nước, nên rất cần sự phối hợp của tất cả các cơ quan ban ngành.

Sắp tới, khi Luật Xuất bản được ban hành sẽ giúp cho ngành có những biện pháp cũng như công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu trong việc loại bỏ dần nạn sách in lậu.  Theo đó, các cơ sở phát hành phải đăng ký thuế, kinh doanh với địa phương với những mặt hàng, chủng loại ấn phẩm. Như vậy, Cục Xuất bản sẽ cùng với địa phương quản lý các sản phẩm của ngành một các hiệu quả và sát sao hơn.

Mặt khác việc vi phạm bản quyền cũng được nêu rõ trong Luật Xuất bản năm 2012. Từ đó giúp những nhà làm xuất bản phải mạnh dạn, tâm huyết với công cuộc chống vi phạm bản quyền.

Mới đây First News (Công ty Văn hóa Trí Việt)  đưa ra 2 vụ kiện về vi phạm bản quyền và đã được xử thắng kiện.
Chúng ta cũng cần tuyên truyền cho những tác giả về việc giữ bản quyền của mình. Tác giả những tác phẩm đó khi phát hiện vi phạm thì phải khởi kiện. Thói quen không quan tâm tới việc kiện những người vi phạm bản quyền cũng là nguyên nhân cho hiện tượng này tồn tại ngang nhiên. Nếu chúng ta cùng đồng lòng thì sẽ không còn đất để vi phạm bản quyền hay in lậu sách tồn tại. 

PV: Để nâng cao chất lượng hoạt động của hoạt động của ngành Xuất bản, phát hành trong thời gian tới, ngành Xuất bản sẽ có những giải pháp nào?

Ông Chu Văn Hòa: Phải quản lý, giám sát chẽ các nội dung, chất lượng các ấn phẩm của ngành. Phấn đấu trong năm 2013 không để xảy ra các tình trạng sai sót đáng tiếc như thời gian qua về nội dung cũng như quản lý. Các bước đi đã được cụ thể hóa trong Luật Xuất bản năm 2012, dự kiến tháng 7/2013 sẽ được Quốc hội thông qua. Trong đó quy định rõ về chứng chỉ của biên tập viên, quy định chức năng của các giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản.

Việc liên kết, mở rộng các hoạt động trong ngành Xuất bản được quy định rõ. Các đối tác cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhà xuất bản. Tức là quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên.

Tóm lại vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, biên tập viên trong ngành có một vai trò vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, ngành Xuất bản sẽ đầu tư và mở rộng việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân sự của toàn ngành.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Thanh Thủy thực hiện


 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,008

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn