Lường thiên tai để tránh thảm họa

07/11/2012 17:48 PM

Dự án luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai được trình ra QH tại kỳ họp này, rất cần thiết và không thể muộn hơn nữa đối với một quốc gia vốn quen với thiên tai nhưng ngày càng khó khăn khi thiên tai thay đổi bất thường, khó dự đoán.

Theo UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhất là… tên luật. Có ý kiến đề nghị “luật Phòng, chống thiên tai”, có ý kiến là “luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai”, lại có ý kiến là “luật Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai”, “luật Phòng và quản lý rủi ro thiên tai” hay “luật Quản lý thiên tai”.

Cuộc tranh cãi này không hẳn vô bổ, vì các ý kiến này đều toát lên một yêu cầu: Đối với thiên tai, không thể chỉ đối mặt khi nó xảy đến mà quan trọng là làm sao có được tâm thế chủ động đối mặt với nó. Như vậy, dù chọn cái tên nào, luật cũng phải thể hiện được quan điểm xuyên suốt là đối phó thiên tai không chỉ là trong và sau, mà quan trọng nhất là trước khi thiên tai xảy đến, để hậu quả của thiên tai được giảm nhẹ hết mức có thể.

Đây không chỉ là xu hướng của cả thế giới mà còn là con đường duy nhất cho các quốc gia thường xuyên là nạn nhân của thiên tai như Việt Nam.

Bão Sơn Tinh đổ bộ vào Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua. Ảnh: VietNamNet

Chi 1 đồng phòng thiên tai, tiết kiệm 7 đồng 

Thiên tai là do tự nhiên mang lại, bão tố, lũ lụt, động đất, núi lửa phun… là những cơn giận dữ của thiên nhiên mà con người không thể tránh. Điều con người có thể làm là không để thiên tai biến thành thảm họa.

Có thể kể đến những thảm họa do thiên tai trên thế giới như sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005, cơn bão Nargis ở Myanmar năm 2008, động đất - sóng thần ở Nhật Bản đầu năm 2011 hay trận lụt kéo dài gần 6 tháng ở Thái Lan cuối năm ngoái.

Ở Việt Nam, cơn bão Chanchu năm 2001 không đổ bộ vào đất liền nhưng vẫn trở thành thảm họa do dự báo sai; Hà Nội tháng 11/2008 ngập lụt lịch sử chỉ sau một cơn mưa lớn vì hệ thống thoát nước không chống đỡ được…

Cả chục cơn bão mỗi năm đổ vào nước ta, đặc biệt là khu vực miền Trung, người dân vẫn chống chọi bằng những biện pháp thô sơ nhất. Sau bão và mưa lớn là lũ quét đe dọa người dân sống quá gần các con sông…

Nếu dự báo tốt, có đủ các phương án đối phó, người dân được trang bị đầy đủ thiết bị và kiến thức, hậu quả của các cơn bão sẽ giảm đi. Nếu hệ thống thoát nước, thủy lợi được thiết kế hợp lý, các thành phố sẽ tránh được ngập lụt. Nếu quy hoạch dân cư đảm bảo khoảng cách an toàn với các dòng sông, lũ quét sẽ tác động đến ít người dân hơn…

Chỉ dẫn lối di tản ở một ngôi làng tái định cư sau tham họa núi lửa Merapi phun trào ở Yogyakarta, Indonesia năm 2010. Ảnh: Chung Hoàng

Giảm thiểu rủi ro thảm họa (Disaster Risk Reduction - DRR) theo định nghĩa trên các văn bản là “quan điểm và biện pháp giảm thiểu các rủi ro thảm họa thông qua những nỗ lực mang tính hệ thống để phân tích và quản lý các nguyên nhân của thảm họa bao gồm việc giảm mức độ nguy hiểm trước hiểm họa, giảm tình trạng dễ bị tổn thương của con người và tài sản, quản lý hiệu quả đất và môi trường, và cải thiện khả năng phòng ngừa các sự kiện bất lợi”, nhưng có thể hiểu nôm na là thay vì “phản ứng” với thiên tai, ta sẽ “ngăn chặn” trước thảm họa.

Như vậy, đối phó với thiên tai không còn chỉ là chống chọi khi nó đến và khắc phục khi nó đi qua, mà là làm trước mọi công việc chuẩn bị để nó không gây thiệt hại lớn - điều này cần một tầm nhìn dài. 

Thế giới đã tổng kết: Chi một đồng phòng tránh thiên tai sẽ tiết kiệm bảy đồng khắc phục. Điều này cần được thể hiện rõ trong dự thảo luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai mà QH sẽ bàn trong những ngày tới.

Chung Hoàng


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,056

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn