DN tố bị Bộ Tài chính đẩy vào ranh giới “còn, mất“

23/10/2012 09:04 AM

Cũng là loại xe ô tô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 dưới 45 tấn, song việc áp thuế lúc là 10%, khi lại là 20%, lúc lại cho truy thu, truy hoàn, khi lại không… khiến cho doanh nghiệp thiệt hại và rất bất bình với các giải thích của cơ quan quản lý nhà nước…

Doanh nghiệp bất bình vì Bộ Tài chính áp thuế bất nhất đối với ô tô tải tự đổ
Doanh nghiệp bất bình vì Bộ Tài chính áp thuế bất nhất đối với ô tô tải tự đổ.

“Xí xóa" vì "sự đã rồi"?

Ngày 15/10, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của Cty TNHH Hoàng Trà (địa chỉ: 161 Đặng Văn Ngữ - Đống Đa – Hà Nội) trình bày về việc áp mã và áp thuế đối với xe ô tô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 dưới 45 tấn. Theo đơn trình bày, từ năm 2006 đến năm 2010 việc áp mã và áp thuế đối với loại xe này là rất khác nhau (10% hoặc 20%) giữa các đơn vị hải quan và ngay cả trong một cục hải quan.

Để giải quyết bất hợp lý này, Bộ Tài chính đã có công văn số 7077/BTC-CST ngày 2/6/2010 đề xuất với Chính phủ theo hướng không truy thu, truy hoàn cho xe nhập khẩu trước năm 2007. Cơ sở không truy thu, truy hoàn đối với những xe đã nhập khẩu, đã nộp thuế với những mức thuế suất khác nhau từ năm 2007 trở về trước được Bộ này giải thích là “do người kinh doanh đã bán hết xe, đã quyết toán thuế; người mua xe đã đưa vào sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định, đưa vào chi phí công trình, sản phẩm và đã quyết toán thuế hàng năm”?.

Mới nhất Bộ Tài Chính có công văn số 11748/BTC-TCHQ ngày 31/8/2012 trả lời cho Cty Hoàng Trà cũng trên tình thần là đối với những xe đã nhập khẩu, đã nộp thuế với những mức thuế xuất khác nhau từ năm 2007 trở về trước thì không truy thu, truy hoàn.

“Tiền hậu bất nhất”?

“Đề xuất của Bộ Tài Chính và cũng như trả lời mới nhất của Bộ Tài Chính đối với công ty chúng tôi  là không có cơ sở pháp luật, tiền hậu bất nhất và hậu quả sẽ gây ra sự không công bằng và thiệt hại cho DN hoặc thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN)...”, ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Giám đốc Cty Hoàng Trà bức xúc.

Theo ông Tuấn, việc “không truy thu, truy hoàn” không có cơ sở pháp luật vì đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý chấp nhận thực tế bất hợp lý này và sai với quy định trong luật thuế xuất nhập khẩu là trong cùng một thời điểm, cùng một mặt hàng, chính sách không thay đổi thì phải áp cùng một mức thuế, nhưng Bộ Tài Chính lại đồng ý áp các mức thuế khác nhau.

Việc không truy thu không truy hoàn cũng thể hiện việc “tiền hậu bất nhất” vì cũng mặt hàng này, giai đoạn từ 22/12/2009 đến 25/4/2010 thì được hoàn thuế theo công văn số 7077/BTC-CS ngày 9/6/2010 và giai đọan từ 1/1/2008 đến 21/12/2009 thì được hoàn thuế theo công văn số 10565/BTC-CST ngày 09/08/2011.

Cơ sở không truy thu, truy hoàn đối với những xe đã nhập khẩu, đã nộp thuế với những mức thuế suất khác nhau từ năm 2007 trở về trước là “do người kinh doanh đã bán hết xe, đã quyết toán thuế; người mua xe đã đưa vào sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định, đưa vào chi phí công trình, sản phẩm và đã quyết toán thuế hàng năm”!? Nhưng, cũng với “cơ sở” đó, Bộ Tài Chính lại đề xuất truy hoàn thuế cho những xe đã nộp thuế 20% nhập khẩu năm 2008 – 2009 – 2010?.

Cùng “cơ sở” này, trên thực tế cơ quan hải quan kiểm tra các lô hàng sau khi xuất nhập khẩu vô thời hạn thì vẫn ra quyết định truy thu, truy hoàn thuế nhập khẩu. Bằng chứng do chính Cty Hoàng Trà cung cấp là  DN này đã bị truy thu khoảng 8,4 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu lô hàng linh kiện ô tô đã nhập khẩu năm 2007 – 2010 và đã được truy hoàn khoảng 359 triệu đồng. Các lô hàng này đến thời điểm có thông báo truy thu, truy hoàn đã được “lắp ráp, tiêu thụ hết”.

Tùy tiện?

Công văn số 7077/BTC-CST ngày 2/6/2010 của Bộ Tài chính là văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ “xem xét và có ý kiến chỉ đạo” và ngày 9/6/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3961/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính.

Chiếu theo các công văn này thì những xe đã nhập khẩu, đã nộp thuế với những mức thuế suất khác nhau từ năm 2007 trở về trước sẽ không được truy thu, truy hoàn nhưng theo thông tin DN cung cấp, năm 2007 có DN đã nộp thuế 20% nhưng được Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho hoàn thuế theo mức 10% như: Cty CP Thu Ngân có 8 tờ khai số 94 – 1025 – 3927 - 4924; Cty TNHH XNK Quảng Tây 1 tờ khai số 3884; Cty XNK Thụy Trạnh 2 tờ khai 8324 – 3811 -  4842; Cty CP thiết bị phụ tùng Đà Nẵng 1 tờ khai số 4842…

Việc không truy thu đối với tờ khai được nộp thuế 10% ước tính NSNN thất thu hàng trăm tỷ đồng, đối với tờ khai đã nộp thuế 20% không được truy hoàn thì DN thiệt hại ít cũng vài tỷ đến vài chục tỷ đồng và quan trọng là sự không công bằng giữa các DN khi phải nộp mức thuế khác nhau đối với cùng một mặt hàng trong cùng thời điểm.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Tuấn cho biết với 33 xe nhập khẩu trong năm 2006- 2007 phải nộp với mức thuế 20% DN không được truy hoàn đã gây thiệt hại cho DN trên 19 tỷ đồng, nếu tính cả thuế VAT thì con số này là trên 20 tỷ đồng. “Số tiền xin truy hoàn đối với nhà nước là rất nhỏ, nhưng đối với DN là sống còn trong hoàn cảnh khó khăn chung...”, ông Tuấn khẩn thiết.

Cty Hoàng Trà không phải là trường hợp cá biệt và có phải vì “khó” nên Bộ Tài chính chọn giải pháp an toàn” không truy thu, truy hoàn”?.

Trí Kiên

TheoPhapluatvn.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,699

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn