28/04/2012 14:18 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan xây dựng Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Dự kiến Quy trình sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Việc bỏ phiếu các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là nội dung đã được bàn thảo nhiều tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp của Quốc hội. Cùng với yêu cầu đổi mới hoạt động Quốc hội, yêu cầu bỏ phiếu các chức danh lãnh đạo 2 năm/lần theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, nội dung trên được các đại biểu Quốc hội dự hội nghị đặc biệt quan tâm khi thảo luận về Đề án.

Theo đề án, “hằng năm sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.”

Ban chỉ đạo Đề án đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4, tổ chức vào cuối năm 2012.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng chỉ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh tương đương cấp Bộ trưởng trở lên.

Về thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm, bà Lê Thị Nga cho rằng không nên bỏ phiếu tín nhiệm vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ vì khi đó các chức danh chưa có nhiều thời gian để thực hiện kế hoạch của mình. Thay vào đó, nên quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga và đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho biết có thực trạng khi bỏ phiếu bầu cho các chức danh mà Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thì đại biểu không nắm  được rõ chương trình hoạt động của các chức danh đó. Do vậy, để có căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm, các chức danh khi ứng cử (hoặc đề cử) cần phải có kế hoạch hành động của mình để các đại biểu nắm rõ và theo dõi.

Đối với quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, một số đại biểu cho rằng cần phải đơn giản, có tính khả thi cao.

Ngoài nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Lê Thị Nga, đại biểu Lê Minh Thông (Ủy ban Pháp luật)… đề nghị chương trình Kỳ họp cần phải xem và dành đủ thời gian để thảo luận tất cả các báo cáo của Chính phủ.

“Về các giải pháp chống tai nạn và ùn tắc giao thông, vừa qua Chính phủ đã báo cáo các giải pháp đồng bộ và tôi cho đây là đã rõ ràng, đầy đủ nội dung, nhưng chúng ta không dành thời gian để thảo luận tất cả các báo cáo này”, bà Lê Thị Nga nói và cho rằng cần thảo luận tất cả các báo cáo để đưa ra giải pháp toàn diện.

Còn đại biểu Lê Minh Thông cho rằng không nên đổi mới theo hướng rút ngắn thời gian Kỳ họp để nâng cao chất lượng. Kỳ họp là thời điểm quan trọng để thảo luận các vấn đề quan trọng của quốc gia, điều quan trọng là tổ chức thời gian Kỳ họp một cách hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về đổi mới trong các lĩnh vực lập pháp, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tổ chức phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác đảm bảo hoạt động cho đại biểu Quốc hội và báo chí…

Thành Chung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,393

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn