Lê Văn Luyện: 'Tôi xin nhận mức án cao nhất'

11/01/2012 13:27 PM

Nói lời sau cùng, Luyện run run xin lỗi phía bị hại, gia đình và người thân vì hành vi phạm tội của mình. Tên sát nhân xin được nhận mức án cao nhất. Trước đó, Luyện bị đề nghị 18 năm tù.

13h, trong lời nói sau cùng, bị cáo Luyện giọng run run xin lỗi gia đình bị hại, xin lỗi gia đình và người thân vì hành vi phạmn tội của mình. Luyện xin được nhận mức án cao nhất. Nhưng cuối cùng vẫn bày tỏ hy vọng được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.

Các bị cáo khác cũng xin được giảm nhẹ hình phạt. Tòa tuyên bố nghỉ giải lao và sẽ ra tuyên án vào lúc 15h30.

12h35, trong phần trình bày của đại diện gia đình bị hại, ông Trịnh Văn Tín (bố của chủ tiệm vàng Trịnh Văn Ngọc) thắc mắc, ngoài các vết thương do vết dao phớ, dao bấm thì trên người nạn nhân còn có vết hình móng ngựa. "Nó là do hung khí gì, tôi chưa thấy cơ quan chức năng nào đề cập đến việc này", ông bức xúc.

Đại diện VKS trả lời về vết thương có hình móng ngựa là do vết thương vật sắc và sắc nhọn gây nên. "Một lần nữa, chúng tôi khẳng định đủ căn cứ về việc Luyện gây án một mình. Đến thời điểm hiện này chưa có gì chứng minh có đồng phạm với Luyện".

12h15, phiên tòa nhốn nháo khi đại diện VKS đối đáp lại phần bào chữa của luật sư Thanh và bác đề nghị trả hồ sơ để bổ sung của ông. Vị đại diện cơ quan công tố cũng cho rằng, bản cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở, các cơ quan tố tụng đã thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

12h5, luật sư Thanh đề nghị tòa xem xét về việc cháu Bích cho rằng đã nhìn thấy hai thanh niên tóc xanh tóc đỏ gây án cho bố mẹ mình. Nhưng trước đó, ngay phần đầu phiên xử, chủ tọa đã công bố lời khai của bé Bích khi được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức có nói đến việc hai thanh niên đi chân đất. Cô bé bảo thấy có "chú cao to, còn có chú thấp bé có đuôi tóc". Cả hai người này, Bích đều không quen, cháu không nhận ra được vì trời tối.

Tài liệu công bố tại phiên tòa hôm này cũng thể hiện, cơ quan điều tra cho cháu Bích nhận dạng những bức ảnh của nghi phạm. Bích cho rằng một trong số này giống người "thanh niên cao to". Trong lần tiếp xúc thứ hai với điều tra viên khi sức khỏe đã khá hơn, Bích nói chỉ biết "chính xác có một chú giật điện thoại trên tay cháu. Cháu chỉ có cảm giác có một người khác trong nhà cháu. Khi tỉnh dậy, cháu vẫn thấy chú thanh niên này. Cô bé còn nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng dao rơi".

11h45, luật sư Thanh cho rằng cáo trạng không nêu chính xác thời điểm Luyện gây án. Ông nghi ngờ "có hay không hành vi giúp sức của Hồng cho Luyện thực hiện hành vi phạm tội?".

Theo luật sư, Luyện khai đã tự thực hiện hàng loạt các hành vi như tìm đường dây ngắt camera, ngắt chuông báo động... Nhưng với người học chưa hết cấp hai, liệu Liệu có làm được như vậy không? "Tôi nghi ngờ có 2 người gây án", ông Thanh nói.

Trước cổng tòa án, nhiều người vẫn túm tụm chăm chú nghe tiếng loa phát ra từ trong phòng xử, vang vọng cả khu phố Hoàng Văn Thụ. Trời đang mưa, nhiệt độ xuống thấp, lạnh thấu da.

Luyện quay xuống nhìn bố khi các luật sư đang tranh luận.

Luyện quay xuống nhìn bố khi các luật sư đang tranh luận. Ảnh: Hà Anh.

11h20, luật sư Huỳnh (bảo vệ gia đình nạn nhân) phân tích, trong vụ án, Luyện đã thực hiện hành vi "giết bằng chết, giết bằng hết". Cháu Bích sống sót là ngoài mong muốn của bị cáo. Bản thân Luyện "không còn tính người, lương tri". Bị cáo thực hiện hành vi thực hiện tội phạm đến cùng, lại đã bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn công tác điều tra.

“Luyện gây tổn hại sức khoẻ cho cháu Bích trên 74%, nên ngoài truy tố của cáo trạng, Luyện phải bị truy tố thêm các điểm khác”. Đó là các tình tiết tăng nặng được quy định tại điều 48 Bộ luật hình sự: "có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm", và "cố tình thực hiện tội phạm đến cùng".

Ông Huỳnh cũng đồng ý về việc truy tố các bị cáo khác về hành vi che giấu, không tố giác nhưng cần phải cụ thể vì che giấu tội danh giết người hay cướp tài sản. Tội của bị cáo Hồng cũng phải bị truy tố về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bị cáo Miên cũng phải bị truy tố hành vi giống với Hồng.

11h10, luật sư Huỳnh cho rằng đây là vụ án “kinh trời, động đất, đặc biệt nghiêm trọng”. Đồng tình với quan điểm luận tội của đại diện VKS nhưng ông nhận thấy cơ quan này còn thiếu tinh thần trách nhiệm khi kiểm sát các hoạt động điều tra, khởi tố... Việc thực nghiệm hiện trường cần phải có bị cáo, nhân chứng và luật sư tham gia bảo vệ cho cả bị hại và bị cáo. Nhưng thực tế, các luật sư đều không được biết.

Đặc biệt, ông Huỳnh cho rằng cáo trạng bỏ lọt tội với các bị cáo.

11h, bào chữa cho các bị cáo Hợp, Định, Nghi các luật sư đều đồng ý với tội danh mà VKS đã truy tố với thân chủ của mình. Họ cho rằng các bị cáo nhận thức hạn chế về pháp luật, không ý thức được hết hậu quả từ việc làm của mình. Trong vụ án, giữa Luyện và các bị cáo đều có mối quan hệ thân tình, lại ở vùng quê khó khăn nên nhận thức còn hạn chế.

10h50, sau phần bào chữa xong của luật sư Ngọc, gia đình nạn nhân bức xúc khiến phiên tòa nhốn nháo. Ngay lập tức, vị chủ tọa yêu cầu lực lượng cảnh sát ổn định tình hình. “Tôi thông báo, những người có mặt cần tôn trọng, người nói phải có người nghe. Nếu ai vi phạm tôi yêu cầu ra khỏi phòng xử’, chủ toạ Hùng nói.

Ngay sau đó, trật tự được giữ gìn. Phần bào chữa cho các bị cáo khác được luật sư tiếp tục trình bày.

Hàng rào cảnh sát dày đặc sau lưng Luyện sau khi người nhà nạn nhân hỗn loạn trong khán phòng đoi tử hình

Hàng rào cảnh sát dày đặc sau lưng Luyện sau khi người nhà nạn nhân hỗn loạn trong khán phòng đòi tử hình kẻ sát nhân. Ảnh:Hà Anh.

10h40, phiên xử tiếp diễn với với phần luật sư Phạm Xuân Anh bào chữa cho Luyện. Bày tỏ sự đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, vị luật sư tóc muối tiêu được chỉ định bào chữa cho Luyện này nhận thấy: “Hành vi của bị cáo là vô cùng dã man, tàn bạo. Tôi cũng vô cùng bức xúc trước hành vi của Luyện. Tôi xin chia sẻ với nỗi đau của gia đình bị hại”.

Ông chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc gây án như Luyện được nuông chiều, buông lỏng, vô trách nhiệm. Chính bố đẻ của bị cáo là người tìm mọi cách để che giấu hành vi của con trai mình. Ông mong muốn với sự nhân đạo của pháp luật Nhà nước với người gây án chưa đến tuổi thành niên, hy vọng Luyện sau này ra khỏi trại giam sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, sống tốt và lương thiện hơn.

Người thứ hai bào chữa cho Luyện là luật sư Nguyễn Bá Ngọc cũng cho rằng, dù dư luận có mong muốn tử hình Luyện nhưng luật đã quy định, nên cả VKS, TAND cũng không thể làm trái được. Ông đồng tình với cáo trạng truy tố.

“Hành vi của Luyện cần phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội như Luyện đã có một trưòng hợp dưới 18 tuổi đã bị tuyên án tử hình trước năm 1985. Tuy nhiên sau đó, luật pháp VN đã quy định rõ và không còn thực hiện điều này”, ông Ngọc đưa ra lý lẽ.

Khi nghe luật sư Ngọc bào chữa cho mình, ngồi hàng ghế đầu ngay cạnh đó, Luyện thi thoảng nhếch mép cười, ngáp không cần che miệng. Dưới khán phòng, một số người đang lớn tiếng đòi phải "tử hình Lê Văn Luyện".

Gần 40 cảnh sát có mặt trong khán phòng để ổn định trật tự.

10h30, VKS đề nghị tuyên phạt Lê Văn Luyện 18 năm về tội giết người, 18 năm cuớp tài sản và 6-9 năm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt cho 3 tội là 18 năm tù giam. Theo cơ quan tố tụng, hành vi phạm tội của Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo chưa từng có từ trước tới này. Do khi gây án bị cáo đang ở tuổi vị thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày), nên tổng hợp các hình phạt sẽ không quá 18 năm tù.

Trong nhóm "che giấu tội phạm", bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện) bị đề nghị phạt 42-46 tháng tù; bị cáo Trương Thanh Hồng 24-30 tháng; Lê Thị Định 18-24 tháng. Lê Thành Nghi 15-18 tháng tù treo. Hai bị cáo "không tố giác tội phạm" là Trương Văn Hợp 15-18 tháng; Dương Thị Lược 9-12 tháng treo.

Sau khi nghe xong phần đề nghị mức án cả khán phòng vẫn lặng im. Gia đình bị hại chưa có phản ứng gì.

Luyện nghe VSK luận tội. Ảnh:Hà Anh.

10h, khi luận tội, đại diện VKS cho rằng vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan công tố sẽ đưa ra các chứng cứ luận tội để HĐXX xem xét đưa ra bản án thích đáng cho hành vi của từng bị cáo. Trong bản luận tội, hành vi của Luyện và 6 bị cáo được công tố viên nói lại một cách ngắn gọn. Cả khán phòng chật kín người nhưng im phăng phắc.

Theo đại diện VKS, lời khai của Luyện phù hợp với lời khai của các nhân chứng, khám nghiệm hiện trường và các vật chứng liên quan. Cơ quan công tố có đủ cơ sở để khẳng định Luyện gây án một mình. Các lần thực nghiệm hiện trường cũng đã cho thấy Luyện khai là có cơ sở. Trong khi đó, Luyện thở dài, nét mặt căng thẳng.

Đối với bị cáo Miên, VKS cho rằng là người tích cực nhất che giấu hành vi phạm tội của con trai, Các bị cáo Hồng, Hợp, Đinh, Nghi... Các bị cáo này không có tình tiết tăng nặng mà chỉ có tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, riêng Nghi có thêm yếu tố đứng ra đưa Luyện về Việt Nam nên được xem xét nhiều nhất.

Đại diện VKS đọc luận tội.

Đại diện VKS đọc luận tội. Ảnh: Hà Anh.

9h50, phần thẩm vấn kết thúc, VKS công bố bản luận tội. Vị chủ toạ giải thích “đây là quan điểm của người đại diện VKS, để cho các bên tranh tụng. Mọi quyết định là do HĐXX”. Các bị cáo tập trung đứng trước vành móng ngựa.

9h40, chị Mến (chị dâu của ông chủ tiệm vàng) cho biết, lúc sáng sớm có gọi điện cho em để hỏi thăm việc đưa đám trẻ trong nhà đi học bằng ôtô hay xe máy và nghe thấy giọng ngái ngủ “đi ôtô vì trời mưa”.

Ít lâu sau, có người gọi điện cho chị thông báo “nhiều khách giao dịch mà chưa thấy vợ chồng anh Ngọc thức giấc, ra mở cửa”. Chị Mến liền tìm mọi cách liên lạc với em chồng, hỏi han các nơi. Đến cuộc gọi thứ 8, chị nghe tiếng cháu Bích có nói “bác ơi nhà con bị cướp rồi. Bố mẹ con bị đâm ép vào tường rồi”.

Khác với phiên xử hôm qua, tại hội trường phòng xử án, đã bớt những tiếng nức nở của gia đình bị hại.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh (bào chữa cho phía bị hại) tiếp tục hỏi về việc có đâm chị Chín hay không? Luyện trả lời: "Không". Vị luật sư này đưa ra lời khai của Luyện thời điểm bị bắt ở khu vực biên giới thừa nhận có làm việc này. Nhưng tại phiên tòa hôm nay, bị cáo lại nhiều lần khẳng định không đâm bà chủ tiệm vàng.

9h20, luật sư Huỳnh liên tục hỏi Luyện về hành vi cướp, lấy vàng, tẩu tán tang vật, bỏ trốn… Luyện trả lời nhát gừng và thỉnh thoảng mới xưng “bị cáo”.

Luật sư Trần Chí Thanh (bảo vệ cho gia đình bị hại) hỏi Luyện có phải sinh ngày 18/10/1993 không? Cũng giống như từng trả lời câu này với VKS, Luyện đáp ngay: "Đúng ạ".

Luật sư gợi ý: "Bị cáo có nguyện vọng để một lần duy nhất quay lại nhìn gia đình bị hại không? Có đủ bản lĩnh để đề xuất không?". “Không”, Luyện nói. Khi luật sư này hỏi: "Bị cáo mua những hung khí đó để giết người trước sau mới cướp tài sản hay như thế nào?". Luyện lặng thinh.

9h10, luật sư Huỳnh hỏi Luyện về động cơ đột nhập tiệm vàng. Bị cáo đáp nhanh "để giết và cướp của ạ". Giải thích vì sao không vơ hết số vàng trong 3 khoang tủ trưng bày, sát thủ bảo: "Lúc đó trời sáng, sức khỏe đã yếu, không cậy được?”.

Luyện khai sát hại bé gái 18 tháng tuổi (con chủ tiệm vàng) vì sợ: “Bé khóc, sợ lộ”.

Luyện trông khá mệt mỏi trong ngày hầu tòa thứ 2. Ảnh: Hà Anh

9h, sau phần thẩm vấn của HĐXX, luật sư Nguyễn Bá Ngọc (bảo vệ cho Luyện) hỏi: “Có ai là đồng phạm với bị cáo trong vụ này không?". “Không có ai”, Luyện trả lời.

Luật sư Phạm Xuân Anh (bào chữa cho Luyện) hỏi bị cáo Trương Văn Hồng. Thanh niên này giọng thều thào cho biết bị bệnh tim, mới được mổ.

Bị cáo Trương Văn Hợp (bố của Hồng) cho rằng gia đình mình cũng chỉ là nạn nhân của Luyện. Sau xảy ra khi vụ án, gia đình ông cũng đã cố gắng bồi thường 5 triệu đồng nhưng không được chấp nhận.

Bị cáo Dương Thị Lược (mẹ của Hồng) cũng nén xúc động cho rằng mình, cùng chồng, và con cũng chỉ là nạn nhân của vụ việc. “Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới bị hại và mong mọi người tha thứ, cũng chỉ bởi không hiểu rõ sự việc liên quan đến pháp luật”, bà Lược trình bày.

8h45, trong phần tố tụng, đại diện VKS hỏi lại các hành vi gây án của Luyện khá nhanh chóng với những câu hỏi đóng. Đứng trước vành móng ngựa, ngày hôm nay Luyện trông khá mệt mỏi. “Bị cáo thực hiện vụ án một mình đúng không”, “Bị cáo có nhìn thấy chiếc túi nào trong gia đình nạn nhân đúng không?”, “Bị cáo chưa bán một chút vàng nào đúng không?”. Luyện đáp "có hoặc không".

8h30, tòa hỏi những nhân chứng có mặt tại tòa. Chị Vũ Thị Mến, chị dâu của anh Ngọc trình bày, trong kết luận điều tra không ghi việc cửa sổ tầng 2 một cánh mở, một cánh đóng. Trong khi chủ tọa thẩm vấn những người liên quan, Luyện ngoái nhìn sang phía gia đình bị hại. Vẫn giữ thái độ “lạnh”, Luyện nắm chặt hai tay, nghe ngóng xung quanh.

Anh Trương Văn Tám, người phát hiện ra vụ việc trình bày lại ngày vụ án xảy ra. Anh Tám là người đã bế Bích xuống đưa đi cấp cứu. “Lúc đó, chúng tôi thấy các nạn nhân đã tử vong”, nhân chứng trình bày.

7h50, Luyện được dẫn giải quay trở lại phòng xử. HĐXX cũng vào phòng xử án và tuyên bố tiếp tục xét xử. Trong sáng nay, phần thẩm vấn gia đình bị hại được tiếp tục.

Luyện được đưa vào phòng xử sáng nay

Luyện được đưa vào phòng xử sáng nay. Ảnh: Hà Anh.

7h40, Luyện được hàng chục cảnh sát dẫn giải vào phòng xử. Người nhà nạn nhân nhao nhao đưa di ảnh của cháu bé 18 tháng tuổi bị Luyện sát hại, giơ lên trước mặt sát thủ. “Chúng tôi mong muốn được để tên Luyện nhìn thấy ảnh của cháu trước mặt”, một người thân của bị hại bức xúc. Khoảng 20 cảnh sát phải nhanh chóng đưa Luyện chạy ra một phòng khác né tránh. Khi tình hình ổn định, sát thủ mới tiếp tục được đưa vào phòng.

Từ sáng sớm, các lực lượng chức năng được bố trí đông đảo xung quanh khu vực tòa án. Hàng rào thép gai đã được chặn hai đầu phố Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Tuy nhiên, không giống như ngày khai mạc phiên xử, đoàn xe chở Lê Văn Luyện từ trại tạm giam đến tòa khá trật tự. Những thân nhân bị hại tham dự phiên tòa khá lặng lẽ.

Trong buổi xét xử ngày 10/1, hàng trăm người đứng bên ngoài cổng tòa, theo dõi diễn biến phiên xử qua chiếc loa. Đến 17h15 cùng ngày, phiên xét xử Lê Văn Luyện kết thúc với phần thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan.

Phần cuối của ngày đầu tiên, Luyện và các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Luyện nhận tội và đã gửi lời xin lỗi trực tiếp với gia đình nạn nhân. Riêng Lê Thành Nghi (chú rể của Luyện) cho rằng không có tội. Phiên xử diễn ra căng thẳng do những bức xúc của gia đình bị hại về cái chết thương tâm của người các nạn nhân.

Ngay sau khi kết thúc, hàng trăm người nhốn nháo, chen lấn cố nhìn cho được gương mặt của sát thủ gây ra thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích. Hàng chục học sinh trong giờ tan trường, đứng đầy cổng tòa, bàn tán về vụ xử Lê Văn Luyện.

Nhóm phóng viên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,825

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn