03/01/2012 13:31 PM

TT - Trong tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là cần thiết.

Điều này được ghi trong tờ trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc bổ sung danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh phí và lệ phí.

Nếu đề xuất của Bộ GTVT lên Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tất cả người có xe máy tại năm thành phố hằng năm phải nộp phí 500.000-1 triệu đồng/xe - Ảnh: Minh Đức

Bộ GTVT cho biết đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân tại Anh, Singapore và TP Bắc Kinh (Trung Quốc). Mục tiêu của đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân ở Việt Nam là hạn chế sự tham gia của một số loại phương tiện giao thông cá nhân trong lĩnh vực đường bộ, góp phần giảm ùn tắc, đặc biệt tại các thành phố lớn. Thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân cũng để tạo nguồn chi cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đối với mức thu phí lưu hành đề xuất cho các loại ôtô từ chín chỗ trở xuống, Bộ GTVT ước tính thu được 15.239 tỉ đồng/năm (643.827 xe chín chỗ trở xuống tính đến 31-10-2011). Mức thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ của năm sau sẽ được tính tăng 10% so với mức thu của năm trước liền kề. Phương thức thu đối với ôtô là sẽ thu qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, chu kỳ thời gian thu phí lưu hành tương ứng với thời gian phương tiện được cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Với ôtô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi làm thủ tục nhập cảnh vào lưu hành theo mức thu từng tháng, nửa tháng. Riêng môtô, xe máy, Bộ GTVT đề nghị thu phí lưu hành một lần/năm cho xe lưu hành. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể việc tổ chức thu phí lưu hành phương tiện đối với môtô, xe máy.

Trước mắt, Bộ GTVT kiến nghị thu phí lưu hành xe máy tại năm thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Bộ GTVT đề xuất cơ quan quản lý thu phí lưu hành phương tiện đối với ôtô được để lại 1,5% số thu, với môtô xe máy được để lại 5% số thu để chi cho công tác tổ chức thu. Số còn lại được dùng để tạo nguồn chi cho các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đối với phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Bộ GTVT đề xuất thu qua các trạm thu phí ôtô (tự động, không dừng) tại các cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố. Chỉ thu phí lượt ôtô vào, không thu xe ra. Trước mắt tổ chức thu ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng trước khi tổng kết triển khai nhân rộng ở các tỉnh thành.

Đánh giá tác động của chính sách thu phí trên, Bộ GTVT cho rằng việc thu hai loại phí này sẽ tạo tác động tiêu cực là một số cá nhân phải chịu thêm các khoản phí, từ đó có những phản ứng nhất định về mặt dư luận xã hội. Tuy nhiên, vì sự phát triển và ổn định chung thì cần tổ chức tuyên truyền, vận động để các đối tượng chịu tác động hiểu, nhận thức được ý nghĩa và tác dụng của việc ban hành hai loại phí này.

T.PHÙNG

Chỉ mới là đề xuất

Ông Nguyễn Văn Công - Ảnh: T.PHÙNG

Ông Nguyễn Văn Công, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-1.

Theo ông Công, đề xuất thu phí lưu hành ôtô, xe máy và phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm độc lập với quỹ bảo trì đường bộ cũng được đề xuất thu theo đầu ôtô, xe máy mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ trước đây. Ông cho biết:

- Quỹ bảo trì đường bộ mục đích thu để bảo trì, sửa chữa đường sá, còn phí lưu hành nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đồng thời thêm nguồn để đầu tư mới.

* Thưa ông, người dân lo ngại khi sử dụng xe máy, ôtô sẽ phải chịu hai khoản phí nặng nếu cả phí bảo trì đường bộ và phí lưu hành cùng được thu?

- Đây chỉ mới là đề xuất của Bộ GTVT đến Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý thì bộ sẽ xây dựng đề án cụ thể, sau đó trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì sửa pháp lệnh phí và lệ phí để thực hiện.

* Nhiều người dân bày tỏ cảm thấy sốc trước mức thu Bộ GTVT đưa ra. Ông nghĩ sao?

- Cũng như phí bảo trì đường bộ, khi đưa ra có nhiều ý kiến nói rằng thu thế là quá nặng nề cho người dân. Nhưng khi có tiền đầu tư để xây dựng những con đường mới thì cuối cùng cũng phục vụ dân. Đường tốt, lưu thông tốt, kinh tế phát triển cũng quay lại phục vụ dân.

* Tại sao bộ đề xuất thu phí xe cá nhân khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân?

- Tôi nghĩ chính sách nào đưa ra cũng có mặt tích cực và hạn chế, nhưng tôi hi vọng mặt tích cực có thể nhiều hơn. Ban đầu có thể khó khăn cho một nhóm cộng đồng nào đó nhưng trên hết phục vụ lợi ích chung của đất nước.

* Trước đây Bộ GTVT xây dựng những đề án đụng đến thu phí như quỹ bảo trì đường bộ thì lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lần trước khi trình. Tại sao lần này bộ đột ngột đề xuất?

- Đây mới chỉ là bộ xin chủ trương của Chính phủ. Chắc chắn Chính phủ sẽ xem xét. Nếu đồng ý, Chính phủ còn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nơi này mới là nơi quyết định.

TUẤN PHÙNG thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,296

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn