Tổng hợp giải đáp 15 thắc mắc về nghĩa vụ quân sự 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
01/10/2024 08:56 AM

Tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm bắt buộc của công dân nam trong độ tuổi theo quy định.

Tổng hợp giải đáp 15 thắc mắc về nghĩa vụ quân sự 2025

Tổng hợp giải đáp 15 thắc mắc về nghĩa vụ quân sự 2025 (Hình từ internet)

Tổng hợp giải đáp 15 thắc mắc về nghĩa vụ quân sự 2025

Tổng hợp giải đáp 15 thắc mắc về nghĩa vụ quân sự 2025 như sau:

1. Đã lấy vợ có đi nghĩa vụ quân sự không?

Căn cứ quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (được bổ sung bởi điểm c Khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019) thì nam đã lấy vợ không phải là một trường hợp được miễn hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Như vậy, nam đã lấy vợ vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự nếu không rơi vào các trường hợp miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tham gia nghĩa vụ quân sự.

>>> Xem thêm:

Tổng hợp trường hợp miễn đi nghĩa vụ quân sự 2025

Tổng hợp trường hợp tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự 2025

2. Thuộc trường hợp miễn, tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự 2025 nhưng muốn đi có được không?

Theo khoản 3 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân thuộc diện được miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ.

Như vậy, nếu công dân thuộc trường hợp miễn, tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự 2025 nhưng muốn đi thì được xem xét đi nghĩa vụ quân sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện khác.

3. Đi nghĩa vụ quân sự 2025 có được xài được thoại không?

Hiện nay, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn đang được công khai thì đều không có đề cập đến quy định về việc sử dụng điện thoại của chiến sĩ nghĩa vụ. Do đó, việc có sử dụng điện thoại hay không sẽ phụ thuộc vào quy định riêng của từng đơn vị.

4. Đi nghĩa vụ quân sự năm 2025 có được về nhà không?

Người đi nghĩa vụ quân sự có thể được về nhà thông qua chế độ nghỉ phép năm hoặc nghỉ phép đặc biệt.

>>> Xem chi tiết TẠI ĐÂY

5. Học đại học xong có đi nghĩa vụ quân sự không?

Theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, độ tuổi gọi nhập ngũ với các trường hợp thuộc diện tạm hoãn do học đại học, cao đẳng cũng được kéo dài hơn, cụ thể là đến hết 27 tuổi

Vì vậy, trường hợp đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn như trình độ văn hóa, lý lịch, sức khỏe,... thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

6. Có được uống cà phê, chất có cồn trước khi đi khám nghĩa vụ quân sự không?

Theo quy định tại Thông tư 105/2023/TT-BQP, công dân đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được dùng chất kích thích như cà phê, hút thuốc, rượu, bia trước đó 2 giờ khi tham gia đo huyết áp của vòng khám nội khoa.

7. Anh trai đang đi nghĩa vụ quân sự thì em trai có đi nữa không?

Theo điểm d khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 nếu có anh trai đang đi nghĩa vụ quân sự thì em trai được tạm hoãn nhập ngũ.

Tuy nhiên, sau khi anh trai xuất ngũ mà người em còn trong độ tuổi nhập ngũ và đáp ứng các điều kiện khác thì người em vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự.

Đồng thời, khi người anh đang đi nghĩa vụ nhưng người em có nguyện vọng đi thì vẫn được xem xét gọi nhập ngũ.

8. Xăm mình có đi nghĩa vụ quân sự không?

Không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội những trường hợp sau đây:

- Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực

- Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống

- Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên

Tuy nhiên, đối với những công dân có hình xăm, chữ xăm trên cơ thể nhưng không thuộc vào các trường hợp nêu trên hoặc có thể tẩy xóa, không gây phản cảm, ảnh hưởng đến lễ tiết, tác phong của quân nhân thì vẫn có thể được xem xét, gọi nhập ngũ.

9. Đã đi nghĩa vụ quân sự rồi muốn đi lần 2 có được không?

Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 không có quy định cấm công dân đi nghĩa vụ lần 2. Do đó, khi có nguyện vọng thì công dân có thể làm đơn tự nguyện nhập ngũ và sẽ được Ban Chỉ huy quân sự cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

10. Đi nghĩa vụ quân sự năm 2025 mấy năm?

- Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

+ Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

+ Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

- Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Như vậy, thời hạn đi nghĩa vụ quân sự trong trường hợp thông thường là 2 năm.

(Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015)

11. Khi nào khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025?

Theo khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 là từ ngày 01/11/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

12. Năm 2025, xung phong đi nghĩa vụ quân sự được không?

Công dân nếu xung phong đi nghĩa vụ quân sự thì có thể làm đơn tự nguyện nhập ngũ và sẽ được gọi nhập ngũ nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nhập ngũ.

13. Học hết lớp mấy thì đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự?

Khoản 4 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tiêu chuẩn văn hóa gọi nhập ngũ:

- Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

- Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

14. Đi dân quân tự vệ thì có miễn nghĩa vụ quân sự không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, được sửa đổi bởi điểm a Khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019, có một trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình liên quan đến dân quân tự vệ là:

Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Như vậy, chỉ có dân quân thường trực đáp ứng được các tiêu chuẩn trên thì mới không đi nghĩa vụ quân sự.

Còn Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự.

15. Đã đi tù thì có đi nghĩa vụ quân sự?

Theo khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích thì không được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Còn nếu đã được xóa án tích thì vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,529

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự - Nghĩa vụ công an 2025

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]