Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị phạt tù đến chung thân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
13/09/2024 18:16 PM

Với việc ăn chặn tiền từ thiện để trục lợi từ những số tiền mà mọi người đã quyên góp, ủng hộ, có thể đối mặt với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị phạt tù đến chung thân

Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị phạt tù đến chung thân (Hình từ internet)

Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị phạt tù đến chung thân

Khi có thiên tai, bão lụt… gây nhiều thiệt hại đến đời sống người dân các vùng bị ảnh hưởng, sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi ủng hộ người dân bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã gian dối, tìm cách để chiếm đoạt một phần hoặc thậm chí là nhiều phần từ số tiền từ thiện đó nhằm trục lợi cho cá nhân.

Với hành vi trên, thì tùy vào mức độ, số tiền chiếm đoạt mà sẽ xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã quy định mức xử phạt của hành vi này:

* Khung 1, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với các trường hợp:

Gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm (Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì phạt gấp đôi)

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

* Khung 2, phạt tù từ 02 năm đến 07 năm với các trường hợp:

- Có tổ chức

- Có tính chất chuyên nghiệp

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

- Tái phạm nguy hiểm

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

* Khung 3, phạt tù từ 07 năm đến 15 năm với các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

* Khung 4, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân với các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy vào hành vi ăn chặn tiền từ thiện trên thực tế ở mức độ vi phạm ra sao, sẽ có thể bị kết án về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Quy định về kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện khi có thiên tai, dịch bệnh

Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân, tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, việc kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện của các tổ chức được thực hiện theo các phương thức như sau:

(1) Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.

(2) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi, vận động tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động Chữ thập đỏ.

(3) Các cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo quy định của pháp luật.

(4) Các quỹ từ thiện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi hoạt động.

(5) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện, các tổ chức có thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

(6) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

(Điều 6 Nghị định 93/2021/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,107

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn