Quy trình tiến hành tổ chức cuộc họp kiểm điểm công chức (Hình từ Internet)
Trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm công chức theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP) như sau:
- Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức chủ trì cuộc họp kiểm điểm. Trường hợp người đứng đầu, tất cả cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP) thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức chủ trì cuộc họp.
Khoản 11 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP) quy định không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm. |
- Trường hợp người bị kiểm điểm là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
Thành phần tham dự cuộc họp kiểm điểm công chức theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác là đơn vị cấu thành thì thành phần dự họp là toàn thể công chức của đơn vị cấu thành; đại diện lãnh đạo, cấp ủy, công đoàn, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức.
- Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức không có đơn vị cấu thành thì thành phần dự họp kiểm điểm là toàn thể công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức.
- Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức được cử biệt phái thì ngoài thành phần quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP còn phải có đại diện lãnh đạo của cơ quan cử công chức biệt phái.
- Trường hợp người bị kiểm điểm là công chức cấp xã thì thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại diện tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và toàn thể công chức của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Quy trình tiến hành tổ chức cuộc họp kiểm điểm công chức theo khoản 3 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP) như sau:
- Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do cuộc họp, thông báo hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thông báo các nội dung: tóm tắt về quá trình công tác; hành vi vi phạm; các hình thức xử lý đã ban hành (nếu có); thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người có hành vi vi phạm; thời hiệu và thời hạn xử lý theo quy định của pháp luật;
- Người có hành vi vi phạm trình bày bản kiểm điểm, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Trường hợp người có hành vi vi phạm có mặt tại cuộc họp nhưng không làm bản kiểm điểm hoặc vắng mặt nhưng có giấy đề nghị tổ chức cuộc họp vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
Trường hợp người có hành vi vi phạm vắng mặt ở cuộc họp theo thông báo triệu tập lần thứ 2 thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
- Thành viên tham dự cuộc họp phát biểu, nêu rõ ý kiến về các nội dung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Tại cuộc họp này không tiến hành biểu quyết, bỏ phiếu;
- Người chủ trì cuộc họp kết luận.
Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản.