Chụp ảnh bị cáo phải xin phép?

26/03/2014 08:09 AM

Nhà báo chụp ảnh bị cáo tại tòa có phải xin phép họ hay không? Nên tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật hay “siết” việc ghi âm, chụp ảnh để bảo vệ quyền hình ảnh của bị cáo?

Tại phiên họp cho ý kiến chỉnh lý dự thảo nội quy phiên tòa của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới đây, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao Lê Văn Minh cho rằng việc ghi hình (quay phim, chụp ảnh), đăng tải hình ảnh liên quan đến quyền nhân thân của đương sự được luật pháp bảo hộ nên phải được đương sự đồng ý. Ngay cả với bị cáo, quyền nhân thân của họ vẫn được tôn trọng, bảo vệ và hình ảnh của họ không thể tùy tiện sử dụng. Do đó nhà báo phải tôn trọng quyền nhân thân của đương sự, không được ghi hình, sử dụng hình ảnh tùy tiện. Nếu nhà báo tự ghi hình, đăng tải hình ảnh tại phiên tòa không xin phép thì phải chịu trách nhiệm nếu bị kiện...

Hiện trong các phiên tòa dân sự, thương mại, hành chính, lao động, các nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh đương sự đều xin phép họ và nếu họ đồng ý cho đăng tải thì mới sử dụng. Việc này vừa thể hiện sự tôn trọng quyền hình ảnh của đương sự, vừa để báo chí tránh bị kiện tụng. Nhưng trong phiên tòa hình sự thì khác. Các nhà báo mặc nhiên quay phim, chụp ảnh bị cáo mà không phải xin phép họ và gia đình. Vậy nhà báo quay phim, chụp ảnh bị cáo tại tòa có phải xin phép họ hay không? Về vấn đề này, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Không hạn chế để răn đe, giáo dục, tuyên truyền

Theo luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), việc báo chí ghi hình, đăng tải hình ảnh là đang sử dụng quyền tác nghiệp và nghiệp vụ cơ bản nên kiểm soát như vậy là làm khó báo chí. Một vụ án đã xét xử công khai thì không nên hạn chế nhà báo quay phim, chụp ảnh, trừ trường hợp xét xử kín mà gia đình bị cáo kiến nghị tòa không cho quay phim, chụp ảnh. Chỉ cần quy định trước khi phiên tòa diễn ra, nhà báo xuất trình thẻ nhà báo thì mặc nhiên được phép ghi âm, ghi hình nhưng tác nghiệp trong sự điều khiển của HĐXX để giữ trật tự.


Nhà báo đang tác nghiệp tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Đồng tình, nhà báo Nguyễn Tân Tiến (báo Người Lao Động) nói: Việc cho rằng tòa chưa tuyên là chưa có tội để từ đó không cho quay phim, chụp ảnh bị cáo trong phiên tòa hình sự là quá rập khuôn, không linh hoạt. Người đã có dấu hiệu phạm tội thì mới bị khởi tố, truy tố, xét xử. Trong khi đó, báo chí có chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên cần được tạo điều kiện để tác nghiệp và thông tin, trong đó có cả việc ghi âm, chụp ảnh.

Nhà báo Hoàng Điệp (báo Tuổi Trẻ) nhận xét: Nếu nội quy phiên tòa quy định nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh phải xin phép bị cáo sẽ gây khó cho hoạt động tác nghiệp của báo chí. Thực tế nhiều vụ án bị cáo bị bắt quả tang, hành vi phạm tội rõ mười mươi, lừa đảo gian manh xảo quyệt, giết người man rợ… thì việc chụp ảnh đăng tải là cần thiết để tuyên truyền pháp luật, góp phần ngăn ngừa tội phạm. Ở một số nước tiến bộ, nghi phạm khi bị bắt có quyền im lặng cho đến khi gặp luật sư, có quyền đóng tiền để tại ngoại… nên việc truyền thông khi tường thuật phiên tòa phải làm mờ mặt hay sử dụng ảnh minh họa là điều dễ hiểu. Riêng nền tố tụng ở nước ta chưa tiến bộ như vậy thì việc chụp ảnh phải xin phép bị cáo sẽ gây cản trở cho hoạt động tác nghiệp của báo chí.

Theo nhà báo Hoàng Điệp, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, không thể cấm nhà báo chụp ảnh bị cáo. Còn nhà báo sẽ tự ý thức được việc sử dụng hình ảnh bị cáo cho mục đích tuyên truyền. Việc sử dụng hình ảnh tùy tiện của nhà báo nếu có sẽ bị pháp luật điều chỉnh, nằm ngoài phạm vi nội quy phiên tòa. Thực tế tòa xử công khai, ai cũng có quyền tham dự, có người không phải là nhà báo cũng đến chụp ảnh nhưng không thể vì thế mà hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo đã được pháp luật về báo chí bảo vệ.

Kiểm soát chặt để tôn trọng bị cáo

Trong khi đó theo nhà báo Phùng Bắc (báo Lao Động), Hiến pháp quy định không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa. Giả sử có bản án phúc thẩm kết tội bị cáo có hiệu lực pháp luật, nhà báo cũng không thể tự do quay phim, chụp ảnh, sử dụng hình ảnh của họ bởi thực trạng hiện nay nhiều vụ án bị lật đi lật lại, có khi còn giám đốc thẩm, tái thẩm…

“Việc một người bị khởi tố, truy tố, xét xử oan vẫn xảy ra. Hình ảnh của họ tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi được các trang mạng cá nhân dẫn lại, đưa hình ảnh đi khắp nơi gây ảnh hưởng kinh hoàng đến cha mẹ, con cái, người thân của họ. Vì vậy tôi ủng hộ việc nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa thì phải hỏi ý kiến họ” - nhà báo Phùng Bắc chia sẻ.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng ủng hộ việc nhà báo muốn quay phim, chụp ảnh phải xin phép bị cáo để tôn trọng quyền nhân thân, cụ thể là quyền về hình ảnh của họ. Tuy nhiên, ông đề xuất: Nếu đưa vào nội quy phiên tòa quy định báo chí muốn quay phim, chụp ảnh phải xin phép bị cáo thì cũng nên đưa thêm vào quy định cho phép nhà báo tiếp xúc để xin phép bị cáo. Bởi lẽ thực tế tại các phiên tòa hình sự, báo chí, thậm chí cả luật sư bào chữa cho bị cáo cũng rất khó khăn khi muốn tiếp xúc bị cáo vì cán bộ dẫn giải cản trở. Vì vậy tòa cần tạo điều kiện cho nhà báo tiếp xúc bị cáo, đảm bảo quyền tác nghiệp. Khi đã được bị cáo đồng ý và có hình ảnh của bị cáo rồi, báo chí có quyền sử dụng và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hình ảnh.

Một lãnh đạo Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao thì cho rằng việc kiểm soát chặt hơn chuyện ghi âm, ghi hình tại phiên tòa bằng cách buộc báo chí phải xin phép đương sự là cần thiết để đảm bảo phiên tòa trật tự, tăng tính tôn nghiêm. Ngoài việc bảo vệ nhân thân của đương sự, việc này còn nhằm tránh tình trạng gia đình bị cáo không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn, manh động không đáng có...

Phương Loan - Phan Thương

Theo Báo Pháp luật TP.HCM

Sử dụng ảnh phải cân nhắc

Tôi nghĩ không nên cấm nhà báo quay phim, chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa công khai nhưng điều quan trọng là báo chí phải cân nhắc khi sử dụng các hình ảnh đó.

Nếu quy định nhà báo phải xin phép bị cáo khi quay phim, chụp ảnh thì chắc chắn không có bị cáo nào đồng ý cả. Nhà báo tiếp cận riêng với bị cáo ở phiên tòa hình sự đã rất khó khăn thì nói gì đến chuyện xin phép. Vấn đề là khi sử dụng ảnh bị cáo, báo chí phải có sự cân nhắc, tránh tùy tiện, lạm dụng quá đáng hình ảnh của bị cáo, đưa đi đưa lại nhiều lần. Đừng để nhiều năm sau ảnh bị cáo vẫn còn bị lôi ra đăng khi mà họ đã chấp hành xong án, về với đời thường. Quá khứ cũng cần khép lại. Dù mang thân phận gì đi nữa thì họ cũng là con người, có những mối quan hệ gia đình-xã hội.

TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn Tội phạm học Trường ĐH Luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,044

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn