Quy định về nghiệp vụ thư tín dụng điện tử từ ngày 01/7/2024 (Hình ảnh từ Internet)
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 21/2024/TT-NHNN quy định nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Tại Điều 18 Thông tư 21/2024/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ thư tín dụng điện tử như sau:
- Ngân hàng và khách hàng được lựa chọn thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là nghiệp vụ thư tín dụng điện tử). Việc thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN; quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Khi thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử đối với khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với ngân hàng (trừ trường hợp khách hàng gửi đề nghị bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT hoặc khách hàng sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật), ngân hàng thực hiện như sau:
+ Đối với khách hàng là người cư trú: Ngân hàng thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
+ Đối với khách hàng là người không cư trú: Ngân hàng thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng trên cơ sở tự đánh giá mức độ rủi ro để lựa chọn, quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ xác thực giao dịch điện tử phù hợp, đảm bảo an toàn và tự chịu rủi ro phát sinh.
- Ngân hàng tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình nghiệp vụ, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
+ Biện pháp, hình thức, công nghệ được ngân hàng lựa chọn phải đảm bảo tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
+ Áp dụng các hình thức xác thực giao dịch điện tử để xác nhận việc khách hàng chấp thuận với ngân hàng khi thực hiện các giao dịch điện tử trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử theo quy định của pháp luật liên quan.
+ Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác thực khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử; giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ, bảo quản thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và luật giao dịch điện tử;
+ Ngân hàng phải thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ để nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn;
+ Phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng trong nghiệp vụ thư tín dụng điện tử. Trường hợp có rủi ro phát sinh, ngân hàng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử của ngân hàng.
- Hệ thống thông tin thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Tô Quốc Trình