Các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/06/2024 13:30 PM

Nội dung bài viết trình bày về các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng dựa trên quy định pháp luật mới nhất hiện nay.

Các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

Các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng (Hình ảnh từ Internet)

1. Đối tượng kiểm tra của đơn vị kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

Tại Điều 8 Thông tư 17/2023/TT-NHNN quy định đối tượng kiểm tra của đơn vị kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng như sau:

- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với đối tượng kiểm tra, gồm:

+ Tổ chức tín dụng, trừ đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 8 Thông tư 17/2023/TT-NHNN;

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

+ Tổ chức hoạt động thông tin tín dụng;

+ Đối tượng kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nếu thấy cần thiết.

- Đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 17/2023/TT-NHNN là đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với đối tượng kiểm tra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, gồm:

+ Quỹ tín dụng nhân dân;

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư 17/2023/TT-NHNN;

+ Chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng;

+ Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

+ Tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng.

- Các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra việc chấp hành chính sách, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước của đơn vị đó đối với đối tượng kiểm tra, gồm:

+ Tổ chức tín dụng, trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Thông tư 17/2023/TT-NHNN;

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

+ Tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng.

- Trường hợp cần thiết, các đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra đối với đối tượng kiểm tra khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

2. Quy định về báo cáo kết quả kiểm tra và kết luận kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

Tại Điều 14 Thông tư 17/2023/TT-NHNN quy định về báo cáo kết quả kiểm tra và kết luận kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, từng thành viên đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về kết quả kiểm tra đối với nội dung kiểm tra được phân công và đề xuất, kiến nghị với Trưởng đoàn kiểm tra.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo bằng văn bản của các thành viên đoàn kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải có báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo kết luận kiểm tra kèm theo hồ sơ kiểm tra có liên quan, đề xuất, kiến nghị, trình người ra quyết định kiểm tra.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo kết luận kiểm tra của Trưởng đoàn kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra xem xét, ký ban hành kết luận kiểm tra.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, kết luận kiểm tra được gửi cho:

+ Đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện các kiến nghị được nêu tại kết luận kiểm tra;

+ Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện các kiến nghị được nêu tại kết luận kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Báo cáo kết quả kiểm tra, kết luận kiểm tra phải có tối thiểu các nội dung sau đây:

+ Đối tượng kiểm tra;

+ Nội dung kiểm tra;

+ Kết quả kiểm tra;

+ Kết luận kiểm tra (kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; xác định rõ vi phạm: tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng vi phạm (nếu có)…);

+ Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng (nếu có);

+ Đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra;

+ Chế độ báo cáo kết quả khắc phục, xử lý theo kiến nghị (nếu có).

Báo cáo kết quả kiểm tra và kết luận kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 08 và Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-NHNN.

Mẫu số 08
Mẫu số 09

3. Các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

Tại Điều 15 Thông tư 17/2023/TT-NHNN quy định các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra về chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng như sau:

- Đơn vị kiểm tra có văn bản khuyến nghị, cảnh báo, chấn chỉnh hoặc yêu cầu đối tượng kiểm tra khắc phục các tồn tại, sai phạm phát hiện qua kiểm tra, thời hạn thực hiện (nếu có).

- Đơn vị kiểm tra áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm nếu phát hiện vi phạm.

- Đơn vị kiểm tra trình cấp có thẩm quyền xem xét tiến hành thanh tra đối với đối tượng kiểm tra trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp và không thuộc thẩm quyền xử lý của đơn vị kiểm tra.

- Người ra quyết định kiểm tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

- Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 147

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn