Ngay chính bản thân quy định pháp luật về minh bạch tài sản hiện vẫn còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là các quy định vẫn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Đây cũng là một trong những căn nguyên của sự ra đời Chỉ thị số 33-CT/TW. Nhưng, vấn đề ở chỗ, quyết tâm thôi cũng chưa đủ. Bởi quyết tâm nếu được ví như một động thái mang ý thức chính trị thì sự thực thi "đến nơi, đến chốn’ sẽ là một hành động cụ thể để biểu đạt quyết tâm trên. Ngoài việc đề cao tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Chỉ thị này còn là sự đề cao vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ khi nói về kê khai và kiểm soát kê khai đã đặt vấn đề: "Thời kỳ bao cấp chúng ta từng có những quy định khá chặt chẽ, ví dụ cá nhân phải đăng ký lượng tiền mặt có trong người, nhưng sang thời kỳ đổi mới, mở cửa thì các quy định về kiểm soát lưu thông tiền tệ được nới lỏng. Hiện nay giao dịch tiền mặt rất dễ dàng, kể cả tiền tỷ, trong khi đó ở nhiều nước khi giao dịch số tiền lớn đến mức nào đó thì cá nhân, tổ chức phải chứng minh được nguồn gốc tài chính”. Theo ông Tuyển, chúng ta phải có sự kiểm soát phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại. Chẳng hạn, muốn hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt thì phải có các giải pháp đồng bộ, ít nhất là phải phát triển được một hệ thống thanh toán hiện đại, tiện lợi hơn so với tiền mặt. "Nếu hỏi rằng hành lang pháp lý của ta về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản đã triệt để chưa, có thể câu trả lời là chưa. Nhưng trong điều kiện kinh tế-xã hội của ta hiện nay, như vậy là phù hợp và đủ mạnh khi được thực hiện nghiêm túc”-ông Tuyển nói. Vậy là, nếu cứ theo lời Thanh tra viên cao cấp kể trên thì chẳng biết bao giờ cho đến ngày xưa!- ấy là nói chuyện minh bạch tài sản.
Thực tế tại nhiều nước nhất là các nước phát triển, hình thức công khai tài sản được thông tin trên mạng internet, người dân có thể truy cập để biết tài sản của lãnh đạo, chứ không dừng ở việc niêm yết toàn bộ bản kê khai. Vậy là, vấn đề nằm ở chính sự công minh trong kê khai tài sản. Bởi nhân dân chính là người giám sát việc kê khai một cách chân thực, khách quan nhất như lâu nay vẫn nói "không gì bằng tai mắt của dân”. Do vậy, không gì bằng tạo cơ chế cho dân giám sát thay bằng những biện pháp mang tính hình thức.
Ở một đất nước duy tình hơn duy lý như ta, thậm chí, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn: Ngay trong một gia đình, đến vợ chồng cũng chưa chắc biết hết thu nhập của nhau mà ở đây lại đòi hỏi kiểm soát thu nhập của toàn xã hội thì liệu có phải là quá khó!? "Trông người lại ngẫm đến ta”, ở các nước chuyện thu nhập của mỗi thành viên trong gia đình là một "bí mật” nho nhỏ của mỗi người; tuy nhiên lại là chuyện chẳng có gì đáng kể với cơ quan quản lý, cơ quan thuế quan. Vậy, vì sao chúng ta vẫn chưa thể học hỏi kinh nghiệm của thế giới trong vấn đề này. Dù rằng, vẫn biết ở vào hoàn cảnh Việt Nam hiện nay "cái khó chưa ló nổi cái minh bạch” và, con đường từ kê khai đến công khai là cả một quãng dài, cần phải vượt qua những trở ngại về mặt tư tưởng. Biết khó lắm thay, nhưng nếu quyết tâm, chắc vẫn có thể làm được.
Hoài Vũ
Theo daidoanket.vn