Nguyên tắc ghi nhận doanh thu và chi phí của ngân hàng thương mại

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
03/02/2024 11:15 AM

Xin hỏi việc ghi nhận doanh thu và chi phí của ngân hàng thương mại được thực hiện theo các nguyên tắc nào? - Phương Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu của ngân hàng thương mại

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2018/TT-BTC thì việc ghi nhận doanh thu của ngân hàng thương mại được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

(1) Việc xác định doanh thu khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

(2) Đối với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự:

- Thu lãi từ hoạt động cấp tín dụng: ngân hàng thương mại có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định của pháp luật ngân hàng để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán như sau:

+ ngân hàng thương mại hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

+ Số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập, ngân hàng thương mại thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

- Thu lãi tiền gửi: là số lãi phải thu trong kỳ.

(3) Đối với các khoản thu về chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ và vàng, ngân hàng thương mại thực hiện ghi nhận theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật có liên quan.

(4) Thu từ hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu):

- Đối với chứng khoán kinh doanh: ngân hàng thương mại hạch toán vào thu nhập theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp đối với chứng khoán kinh doanh.

- Đối với chứng khoán đầu tư, trừ các loại chứng khoán phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro như một khoản cho vay: ngân hàng thương mại hạch toán dự thu đối với số lãi dự kiến thu được.

(5) Đối với thu lãi góp vốn: cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động góp vốn là số lãi được chia khi có nghị quyết hoặc quyết định chia.

(6) Đối với doanh thu từ các hoạt động còn lại: doanh thu là toàn bộ tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong kỳ được khách hàng chấp nhận thanh toán không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

(7) Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì ngân hàng thương mại hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu và chi phí của ngân hàng thương mại

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu và chi phí của ngân hàng thương mại (Hình từ internet)

Nguyên tắc ghi nhận chi phí của ngân hàng thương mại

Việc ghi nhận chi phí của ngân hàng thương mại được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 7 Thông tư 16/2018/TT-BTC như sau:

- Chi phí của ngân hàng thương mại là các khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại; tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng thương mại không được hạch toán vào chi phí các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ. Việc xác định và hạch toán chi phí được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Việc xác định chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và các văn bản hướng dẫn.

- Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chỉ được hạch toán vào chi phí kinh doanh các khoản chi phí được trừ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng đối với Phần chi trích lập dự phòng rủi ro vượt mức quy định được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp do có sự khác biệt giữa quy định về chi trích lập dự phòng rủi ro của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nếu có); chi đóng phí hiệp hội ngành nghề ở nước ngoài mà tổ chức tín dụng tham gia và khoản chi nộp phạt vi phạm hành chính (trừ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật), ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được sử dụng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,914

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn