Hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
04/11/2023 14:25 PM

Hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là gì? Danh mục hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP gồm những gì? – Trúc Linh (Thái Bình)

Hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là gì?

Hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là gì?

Hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP là sản phẩm:

- Được liệt kê theo mã hàng tại Phụ lục I, II, III, IV và V kèm theo Nghị định 77/2023/NĐ-CP; và

- Được cấu thành toàn bộ hoặc một phần từ vật tư đã được phục hồi; và

- Có thời hạn sử dụng tương tự như thời hạn sử dụng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và

- Thực hiện được toàn bộ các chức năng như chức năng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng, với chất lượng, hiệu quả thực hiện không thay đổi hoặc tương tự như chất lượng, hiệu quả thực hiện của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và

- Có chế độ bảo hành tương tự như chế độ bảo hành áp dụng cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng.

(Khoản 2 Điều 3 Nghị định 77/2023/NĐ-CP)

2. Danh mục hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP

Danh mục hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP được quy định tại Điều 4 Nghị định 77/2023/NĐ-CP như sau:

- Ban hành Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Phụ lục I.

- Ban hành Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế tại Phụ lục II.

- Ban hành Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải tại Phụ lục III.

- Ban hành Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại Phụ lục IV.

- Ban hành Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Phụ lục V.

- Việc áp dụng cột “Mã hàng” và cột “Mô tả hàng hóa” tại các Phụ lục I, II, II, IV, V của Nghị định này thực hiện theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

3. Điều kiện đối với hàng hóa tân trang nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP

- Hàng hóa tân trang nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có Giấy phép nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này.

+ Đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP.

+ Đáp ứng các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật chuyên ngành đang được áp dụng cho hàng nhập khẩu mới cùng chủng loại, trong đó, tùy trường hợp cụ thể, có các quy định về: nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hiệu suất năng lượng, an toàn bức xạ, an toàn thông tin mạng, đo lường, bảo vệ môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các quy định khác.

- Khi đưa ra lưu thông trên thị trường, trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa tân trang phải thể hiện bằng tiếng Việt cụm từ "Hàng hóa tân trang" ở vị trí và với kích cỡ có thể nhìn thấy và đọc được bằng mắt thường.

(Điều 5 Nghị định 77/2023/NĐ-CP)

4. Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang

- Hàng hóa tân trang chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam khi có giấy phép của bộ quản lý chuyên ngành theo phân công tại Phụ lục I, II, III, IV và V Nghị định 77/2023/NĐ-CP (sau đây gọi là cơ quan cấp giấy phép).

- Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang bao gồm:

+ Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng.

+ Giấy phép nhập khẩu có thời hạn.

- Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng được cấp cho hàng hóa tân trang trong những lần đầu mà hàng hóa này nhập khẩu vào Việt Nam.

- Hàng hóa tân trang cùng tên gọi, cùng kiểu loại, cùng mã hàng và thuộc cùng doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang, sau 03 lần được cấp giấy phép nhập khẩu theo lô hàng (cho cùng một thương nhân nhập khẩu hoặc cho các thương nhân nhập khẩu khác nhau), sẽ được chuyển sang chế độ giấy phép nhập khẩu có thời hạn.

- Cơ quan cấp giấy phép quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu có thời hạn nhưng không ít hơn 12 tháng.

- Giấy phép nhập khẩu có thời hạn không hạn chế số lượng hàng hóa tân trang nhập khẩu theo giấy phép trong thời hạn hiệu lực của giấy phép.

- Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng được áp dụng trở lại khi:

+ Hết thời hạn đình chỉ Mã số tân trang.

+ Doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang bị thu hồi, sau đó được cấp lại Mã số tân trang.

- Với các trường hợp nêu tại khoản 7 Điều 17 Nghị định 77/2023/NĐ-CP, chỉ chuyển sang chế độ giấy phép nhập khẩu có thời hạn sau ít nhất 10 lần cấp giấy phép nhập khẩu theo lô hàng (cho cùng một thương nhân nhập khẩu hay cho các thương nhân nhập khẩu khác nhau với cùng một loại hàng hóa tân trang (cùng tên gọi, cùng kiểu loại, cùng mã hàng) và thuộc cùng một doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang).

(Điều 17 Nghị định 77/2023/NĐ-CP)

Nghị định 77/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,802

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn