Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
30/10/2023 13:30 PM

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa là bao nhiêu? – Thanh Trúc (Cà Mau)

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa là ai?

- Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

- Người lái phương tiện đường thủy nội địa là người trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

(Khoản 18, 20 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, được sửa đổi điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014)

2. Mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đường thủy nội địa đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ côn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;

+ Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ côn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.

(Khoản 3, 4 Điều 21 Nghị định 139/2021/NĐ-CP)

3. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa

- Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, an toàn của phương tiện, kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật.

- Phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

- Quản lý hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp.

(Điều 4 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, được sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,628

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn