Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
18/09/2023 11:27 AM

Cho tôi hỏi thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên trên tàu biển được quy định ra sao? - Quỳnh Hương (Phú Yên)

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên mới nhất

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thuyền viên là ai?

Theo khoản 1 Điều 59 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 thì thuyền viên là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam.

2. Điều kiện trở thành thuyền viên làm việc trên tàu biển 

Theo khoản 2 Điều 59 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về điều kiện trở thành thuyền viên làm việc trên tàu biển như sau:

- Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển Việt Nam;

+ Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, tuổi lao động và chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

+ Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển;

+ Có sổ thuyền viên;

+ Có hộ chiếu để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, nếu thuyền viên đó được bố trí làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.

- Công dân Việt Nam có đủ điều kiện có thể được làm việc trên tàu biển nước ngoài.

3. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên mới nhất

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên theo Điều 63 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:

- Thời giờ làm việc được bố trí theo ca trong 24 giờ liên tục, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết.

- Thời giờ nghỉ ngơi được quy định như sau:

+ Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ và 77 giờ trong 07 ngày bất kỳ;

+ Số giờ nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 24 giờ có thể được chia tối đa thành hai giai đoạn, một trong hai giai đoạn đó ít nhất là 06 giờ và khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ liên tiếp nhiều nhất là 14 giờ.

- Trường hợp khẩn cấp đối với an ninh, an toàn của tàu và người, hàng hóa trên tàu, giúp đỡ tàu khác hoặc cứu người bị nạn trên biển, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thuyền viên làm bất kỳ vào thời điểm nào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp, thuyền trưởng có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên nghỉ ngơi đủ thời gian quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015.

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được lập Bảng phân công công việc và được niêm yết tại vị trí dễ thấy trên tàu.

- Trường hợp tập trung, thực tập cứu hỏa, cứu sinh hoặc thực tập khác theo quy định, thuyền trưởng có thể bố trí thời giờ nghỉ ngơi khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 nhưng phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến thời giờ nghỉ ngơi, không gây ra mệt mỏi cho thuyền viên và phải được quy định trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong hợp đồng lao động của thuyền viên theo nguyên tắc sau đây:

+ Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ và 70 giờ trong khoảng thời gian 07 ngày. Việc áp dụng trường hợp ngoại lệ không được thực hiện nhiều hơn 02 tuần liên tiếp. Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn áp dụng ngoại lệ không được ít hơn hai lần khoảng thời gian của giai đoạn đã áp dụng ngoại lệ trước đó;

+ Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có thể được chia tối đa thành ba giai đoạn, một trong số ba giai đoạn đó không được dưới 06 giờ và hai giai đoạn còn lại không được dưới 01 giờ;

+ Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ ngơi liên tiếp không được vượt quá 14 giờ;

+ Việc áp dụng trường hợp ngoại lệ không được vượt quá hai giai đoạn 24 giờ trong khoảng thời gian 07 ngày.

- Thuyền trưởng hoặc người được thuyền trưởng ủy quyền có trách nhiệm lập Bản ghi thời giờ nghỉ ngơi và cung cấp cho thuyền viên.

4. Quy định về nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết của thuyền viên

Quy định về nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết của thuyền viên theo Điều 64 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 như sau:

- Thuyền viên làm việc trên tàu biển được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết và hưởng nguyên lương. Trường hợp thuyền viên chưa được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết thì được bố trí nghỉ bù.

- Số ngày nghỉ hàng năm được tính theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật không tính vào số ngày nghỉ hàng năm.

- Cấm mọi thỏa thuận để thuyền viên không được nghỉ hàng năm.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,186

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn