Khi nào thì sẽ giải tán Hội đồng nhân dân? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Do đó, nếu Hội đồng nhân dân làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân thì sẽ bị giải tán theo quy định hiện hành.
(Khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 139 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015)
Theo khoản 2 Điều 139 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, thẩm quyền giải tán Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải tán Hội đồng nhân dân cấp huyện;
- Hội đồng nhân dân cấp huyện giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã.
Cụ thể, nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.
Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong.
Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
(Khoản 1 Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015)
Cụ thể tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm
Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và trên cơ sở hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo đó, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
- Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
- Xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;
- Xem xét văn bản của Ủy ban nhân dân cùng cấp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;
- Xem xét trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
- Thành lập Đoàn giám sát về một vấn đề nhất định khi xét thấy cần thiết và xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát.
(Khoản 1, 3 Điều 87 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015)