Tài khóa là gì? Chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/11/2022 14:33 PM

Xin hỏi là đối với tài khóa thì hiện nay quy định chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định thế nào? - Văn Phú (TP.HCM)

Tài khóa là gì? Chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

1. Tài khóa là gì?

Hiện hành, không có quy định định nghĩa cụm từ tài khóa. Tuy nhiên, có thể hiểu tài khóa là chu kỳ nhất định cụ thể là 42 tháng cho các báo cáo dự toán và quyết toán hằng năm của NSNN, doanh nghiệp có hiệu lực.

Chính sách tài khóa là công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách này là biện pháp thay đổi chi tiêu và các biện pháp về thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trường hợp kinh tế đang bình thường và nhằm đưa kinh tế trở lại cân bằng nếu nền kinh tế suy thoái, phát triển quá mức.

2. Chính sách tài khóa

Tại Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định đối với chính sách tài khóa trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như sau:

2.1. Chính sách miễn, giảm thuế

- Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

- Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

2.2. Chính sách đầu tư phát triển

Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2/2022 và 2023, bao gồm:

- Về y tế

Bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19;

- Về an sinh xã hội, lao động, việc làm:

- Cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5 nghìn tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình;

Hỗ trợ lãi suất tối đa 3 nghìn tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm;

- Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng;

- Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh:

+ Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi;

Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua;

+ Cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng;

- Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng:

Bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng:

Giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai;

- Việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phải bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023, và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí sau đây:

+ Ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn;

+ Trường hợp bố trí vốn cho các dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025:

Chỉ bố trí cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025;

Đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng;

+ Các dự án phải bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định;

+ Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực.

2.3. Chính sách tài khóa khác

- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm

(Sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021);

- Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm;

Học sinh, sinh viên;

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập;

Cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 27,433

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn