06 trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/07/2022 17:21 PM

Uỷ quyền là việc bên nhận ủy quyền nhân danh bên còn lại thực hiện các quyền và nghĩa vụ cho bên ủy quyền. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự có một số trường hợp việc ủy quyền này sẽ không được công nhân. Dưới đây là 06 trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự

06 trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự

1. Không thể ủy quyền đăng ký kết hôn

Căn cứ Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn như sau:

- Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 nêu trên, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. 

- Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; 

Công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

Như vậy, trong trường hợp đăng ký kết hôn hai bên nam nữ phải có mặt khi đăng ký kết hôn nên không thể ủy quyền cho người khác có mặt đăng ký kết hôn.

2.  Không thể ủy quyền khi ly hôn

Tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định người đại diện theo ủy quyền theo quy định Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

3. Không thể ủy quyền khi đăng ký nhận cha, mẹ, con

Tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

4. Không thể ủy quyền khi công chứng di chúc

Khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng di chúc như sau:

Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

5. Không thể ủy quyền khi người được ủy quyền có quyền và lợi ích hợp pháp đối lập người được ủy quyền

Trường hợp không được làm người ủy quyền theo khoản 1 Điều 87 Luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện thì không được làm người đại diện 

- Nếu người được ủy quyền đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.

Như quy định nêu trên, người được ủy quyền nếu có quyền và lợi ích hợp pháp đối lập với người được ủy quyền thì không thể thực hiện việc ủy quyền được.

6. Không thể ủy quyền khi yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Căn cứ khoản 2 Điều 46 Luật lý lịch tư pháp 2009 quy định thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 như sau:

Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 42,841

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn