Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/05/2022 15:28 PM

Sau vận tải đường bộ, đường hàng không,... thì vận tải đường sắt cũng là một trong những hoạt động kinh doanh vận tải lâu đời và phổ biến ở nước ta. Vậy kinh doanh vận tải đường sắt được quy định như thế nào?

Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt

Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt (Ảnh minh họa)

1. Kinh doanh vận tải đường sắt là gì?

Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt như sau:

Kinh doanh vận tải đường sắt là việc thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa bằng đường sắt nhằm mục đích sinh lợi.

2. Điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt

Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có đủ các điều kiện sau:

- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.

- Có ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.

- Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.

3. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

Căn cứ theo Điều 53 Luật Đường sắt 2017 thì doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ như sau:

3.1. Quyền của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

- Được cung cấp các thông tin về kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt;

- Được sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt để kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định;

- Tạm ngừng chạy tàu khi xét thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu đồng thời phải thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

- Được bồi thường thiệt hại do lỗi doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc do tổ chức, cá nhân khác gây ra;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

- Tổ chức chạy tàu theo đúng biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã được doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt công bố;

- Ưu tiên thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Phải ngừng chạy tàu khi nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

- Trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

- Bảo đảm đủ điều kiện an toàn chạy tàu trong quá trình khai thác;

- Chịu sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong việc phòng, chống sự cố, thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật;

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Cung cấp các thông tin về nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ cho việc xây dựng, phân bổ biểu đồ chạy tàu và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Hợp đồng vận tải đường sắt

Căn cứ Điều 54, 55 Luật Đường sắt 2017 quy định về hợp đồng vận tải đường sắt bao gồm:

4.1. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý

- Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với hành khách về vận chuyển hành khách, hành lý.

Theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hành khách, hành lý từ nơi đi đến nơi đến. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thỏa thuận.

- Vé hành khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận tải hành khách. 

hành khách do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phát hành theo quy định của pháp luật.

4.2. Hợp đồng vận tải hàng hóa

- Hợp đồng vận tải hàng hóa là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với người thuê vận tải, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hàng hóa từ nơi nhận đến nơi đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng được quy định trong hợp đồng. 

Hợp đồng vận tải hàng hóa xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thỏa thuận.

- Hóa đơn gửi hàng hóa là bộ phận của hợp đồng vận tải do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phát hành theo quy định của pháp luật. 

+ Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập hóa đơn và giao cho người thuê vận tải sau khi người thuê vận tải giao hàng hóa; có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải ủy quyền. 

+ Hóa đơn gửi hàng hóa là chứng từ giao nhận hàng hóa giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.

- Hóa đơn gửi hàng hóa phải ghi rõ:

+ Loại hàng hóa; 

+ Ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; 

+ Số lượng, khối lượng hàng hóa; 

+ Nơi giao hàng hóa, nơi nhận hàng hóa, tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; 

+ Giá vận tải và các chi phí phát sinh; 

+ Các chi tiết khác mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thỏa thuận ghi vào hóa đơn gửi hàng hoá; 

+ Xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về tình trạng hàng hóa nhận vận tải.

5. Giá vận tải đường sắt

Căn cứ theo Điều 56 Luật Đường sắt 2017 quy định về giá vận tải đường sắt như sau:

- Giá vận tải hành khách, hành lý, hàng hoá trên đường sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định; 

Giá vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; 

Giá vận tải trên đường sắt chuyên dùng do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng quyết định.

- Giá vận tải đường sắt phải được niêm yết tại ga đường sắt và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trước thời điểm áp dụng.

- Giá vận tải hàng siêu trường, siêu trọng do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thỏa thuận.

- Chính phủ quy định việc miễn, giảm giá vận tải hành khách cho đối tượng chính sách xã hội (hiện nay thực hiện theo Chương V Nghị định 65/2018/NĐ-CP).

>>> Xem thêm: Theo quy định pháp luật ga đường sắt có bao nhiêu loại? Hiện nay trình tự đổi tên ga đường sắt được quy định như thế nào? Nguyên tắc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt theo quy định pháp luật ra sao?

Xuân Thảo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,596

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn