Hát ca khúc nổi tiếng: Phải trả tiền bản quyền khi nào?

11/04/2017 14:56 PM

Hiện nay, đang có nhiều thắc mắc liên quan đến việc hát các ca khúc trong quán karaoke, hát trong quán cà phê, hay sinh hoạt tập thể… có phải trả tiền bản quyền hay không?

Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, những trường hợp sử dụng tác phẩm âm nhạc đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:

- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

- Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

- Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

- Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng…

Theo quy định trên, việc sử dụng  các ca khúc nổi tiếng như Nối vòng tay lớn, Anh em ta về, Năm anh em trên một chiếc xe tăng…trong các buổi sinh hoạt tập thể đoàn, hội… hoặc phục vụ quần chúng thì sẽ không phải trả tiền.

Nối vòng tay lớn

Tuy nhiên trong trường hợp tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thoả thuận. Trường hợp không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức thì phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Như vậy trường hợp việc các quán karaoke sử dụng ca khúc cho khách hàng “biểu diễn” thì có phải trả thù lao?

Nhiều cơ sở inh doanh karaoke hiện nay đều thực hiện mua các đầu karaoke kỹ thuật số từ các công ty phát hành như Arirang, California…, đây cũng  là những đơn vị trực tiếp bán các đĩa hát karaoke, nếu như trong trường hợp những đơn vị này đã có một khoản tiền tác quyền cho tác giả của ca khúc thì các quán karaoke này có phải đóng lần nữa hay không?

Một lần nữa Luật SHTT có định nghĩa về việc phát sóng như sau:

“là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn

Như vậy các quán karaoke sử dụng việc truyền âm thanh qua tivi đến người hát cũng có thể coi là phát sóng, như trong trường hợp này thì vẫn phải trả thù lao cho tác giả hoặc người sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, mức thỏa thuận này hiện nay do các bên tự thỏa thuận hoặc do cơ quan quản lý tự quy định trong từng trường hợp cụ thể nên vẫn còn gặp nhiều bất cập và thiếu sự đồng tình từ phía người dân, cơ sở kinh doanh.

Hân Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,122

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn