|
Doanh nghiệp và người dân “đừng vội bán với giá thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi”. |
Vàng miếng SJC cong vênh cũng sẽ chuyển đổi bình đẳng
Tuần qua, trên thị trường vàng, nhiều
cửa hàng vàng bạc đã từ chối mua vàng SJC cong vênh, móp méo. Khách
hàng đã phải chấp nhận bán vàng SJC cong vênh, móp méo và vàng miếng
thương hiệu khác với giá thấp, “bị bóp chẹt”. Điều đó khiến thị trường
rộ lên thông tin đó là hệ quả của việc các quy định hiện hành đã tạo
điều kiện cho Cty SJC độc quyền sản xuất, mua bán và từ chối việc mua
bán vàng miếng.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này,
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, cách hiểu như vậy
là hoàn toàn không đúng với các quy định tại Nghị định
24/2012/NĐ-CP và
các quy định hiện hành khác về sản xuất và kinh doanh vàng miếng.
Theo quy định tại Nghị định
24/2012/NĐ-CP, kể từ ngày 25/05/2012, hoạt động sản xuất vàng miếng do
Nhà nước độc quyền và NHNN được Nhà nước giao tổ chức và quản lý hoạt
động sản xuất vàng miếng, tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên
liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Từ thời điểm
đó, tất cả các doanh nghiệp đã được NHNN cấp phép dập vàng miếng, kể cả
công ty SJC, đều phải chấm dứt dập vàng miếng.
“Trên cơ sở thực tế gần 90% vàng
miếng đang lưu hành trên thị trường là vàng miếng SJC, do vậy để ổn định
việc lưu thông vàng miếng và tiết giảm chi phí của xã hội, sau khi đã
thống nhất với các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật, NHNN
quyết định chọn nhãn hiệu SJC là nhãn hiệu vàng miếng của NHNN . Và, kể
từ ngày 25/05/2012, hoạt động sản xuất vàng miếng SJC là do NHNN độc
quyền tổ chức thực hiện” – ông Hưng nói – “Như vậy, sau ngày 25/05/2012,
Cty SJC cũng bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác, không được sản xuất
vàng miếng mà chỉ được quyền mua, bán và từ chối mua, bán vàng miếng SJC
hay các loại vàng miếng khác theo quyết định của chính họ phù hợp với
các quy định của pháp luật”.
Ông Hưng cũng cho biết, NHNN đang gấp
rút hoàn thành để có thể ban hành ngay trong một vài ngày tới các quy
định có liên quan đến hoạt động sản xuất vàng miếng SJC, trong đó bao
gồm cả các quy định về chuyển đổi vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo,
cũng như chuyển đổi các loại vàng miếng nhãn hiệu khác thành vàng miếng
SJC, làm cơ sở cho việc thống nhất thực hiện trong toàn quốc đối với mọi
đối tượng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vàng miếng.
“Nguyên tắc chung của các quy định
nói trên là tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như
các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều
được chuyển đổi thành vàng SJC” – ông Hưng cho biết. Vì thế, Phó Thống
đốc đã khuyên doanh nghiệp và người dân yên tâm, “đừng vội bán với giá
thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi”.
Giá vàng dự báo có thêm tuần giữ giá
Trong khi đó, giá vàng trên thị
trường trong nước đã có hai tháng giữ giá tăng đều, với mức tăng khoảng
500.000 đồng mỗi lượng, ở mức 42,47 – 42,52 triệu đồng mỗi lượng giá mua
vào và bán ra. Dù không phải phiên nào cũng tăng trưởng ấn tượng, nhưng
nhìn chung, giá vàng tăng chậm và bền vững là xu hướng của thị trường
vàng trong nước, dù thị trường vàng thế giới có những phiên tăng giảm
thẳng trầm hơn.
Đặc biệt, tuần qua, giá vàng SJC tăng
150.000 đồng/lượng, nâng tổng mức tăng của 2 tuần trở lại đây lên gần
nửa triệu đồng mỗi lượng vàng nhờ lực hỗ trợ của giá vàng thế giới. Bất
chấp chuyện trong tuần Cty SJC tuyên bố ngừng mua vào vàng miếng SJC bị
móp méo do “hết tiền”, nhưng nhu cầu thị trường vẫn cao đối với thị
trường này khiến vàng SIC vẫn giữ được nhịp độ giao dịch đều đặn.
Theo nhận định của giới phân tích thế
giới, giá vàng vẫn đang hỗ trợ bởi kỳ vọng của thị trường về chính sách
hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng trung ương. Hãng tin
Reuters cho biết, “số phận” của vàng đang tùy thuộc vào quan điểm của
các ngân hàng trung ương, tuy nhiên vàng có khả năng sẽ có thêm một tuần
giữ giá khi các quỹ tín thác đầu tư vàng, trong đó có quỹ tín tác đầu
tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust, đang có xu hướng mạnh tay gom
mua vàng.
Nguyễn Thành