Có chuyển đổi sang vàng SJC hay không là tùy ở sự lựa chọn của người dân.” - Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối NHNN khẳng định.
Người dân vẫn có thể giữ vàng không cần chuyển đổi
Từ ngày 25/5/2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Để quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, tránh không để vàng miếng “trở thành một thứ tiền tệ thứ ba”, sẽ phải có một sản phẩm vàng miếng mang thương hiệu quốc gia. SJC đang là thương hiệu được nhắm đến. Bởi trên toàn quốc có khoảng 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng có bán vàng miếng và phần nhiều là vàng thương hiệu SJC. Cũng là một công ty kinh doanh vàng bạc nhưng SJC hiện đã chiếm tới 90% thị phần trong hoạt động của các loại vàng miếng. Khi SJC được công nhận là thương hiệu vàng của NHNN sẽ thực hiện được hai mục tiêu: một là Nhà nước độc quyền trong vấn đề sản xuất và kinh doanh vàng miếng; hai là Nhà nước sẽ tiết giảm được các chi phí vì hiện nay có tới hàng trăm tấn vàng đã được dập ra vàng SJC và nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Tuy nhiên đón nhận thông tin này, không ít người dân băn khoăn liệu với tài sản đang cất giữ là vàng phi SJC sau đây còn được lưu thông hay không, có bắt buộc phải chuyển đổi thành vàng SJC không và chuyển đổi thế nào? Đã có ý kiến nếu chỉ có một loại vàng miếng được giao dịch thì Việt Nam sẽ là nước duy nhất trên thế giới chỉ có một thương hiệu vàng miếng trên thị trường.
Lợi dụng tâm lý này của người dân, một số cửa hàng kinh doanh vàng đã ép giá, khiến vàng không mang thương hiệu SJC giảm thanh khoản, giao dịch khó khăn.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối NHNN khẳng định: “Theo quy định của NHNN tất cả các loại vàng miếng khác SJC được sản xuất trước đây vẫn được mua bán, trao đổi tại các đơn vị kinh doanh do NHNN cấp phép. Có chuyển đổi sang vàng SJC hay không là tùy ở sự lựa chọn của người dân”. Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
“Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 24) |
Bên cạnh đó, một số người cũng e ngại “lợi ích nhóm” khi vàng miếng SJC được coi như sự lựa chọn cho thương hiệu vàng quốc gia. Song ở góc độ khách quan, xét theo tiềm lực vốn và khả năng chi phối thị trường, TS. Lê Đình Ân – Chuyên gia kinh tế, cho rằng với số vốn đăng ký khoảng 700 tỷ đồng, SJC chưa đủ lực để tích vàng thao túng thị trường, vì muốn thao túng được thị trường vàng phải có rất nhiều tiền. Cũng theo TS. Lê Đình Ân, theo sự quan sát của những người trong ngành, tuy SJC luôn có lượng vàng trong kho nhưng lượng đó chỉ đủ để đáp ứng cung cầu thị trường, chứ chưa thể đủ và khó có thể có đủ để thao túng, làm giá “cho dù khi thị trường nóng, họ cũng có thể rất muốn thao túng”. Mặc dù vậy, TS. Lê Đình Ân cũng lưu ý, NHNN cần sớm ban hành văn bản quy định chặt chẽ minh bạch về quy trình chuyển đổi vàng móp méo và vàng phi SJC đồng thời cần có quy trình sản xuất vàng miếng rõ ràng.
SJC – Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là một DN trực thuộc TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo SJC cho biết, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quán triệt chỉ đạo: cho dù là một đơn vị kinh doanh vàng bạc nhưng lợi nhuận không phải mục tiêu đầu tiên của SJC. Nhiệm vụ hàng đầu của SJC là góp phần bình ổn thị trường vàng và khẳng định thương hiệu của một DNNN. Và điều này SJC đã làm được. Thực tế cho thấy có những tổ chức tín dụng, ngân hàng được phép kinh doanh vàng bạc với tiềm lực lớn, nhưng trước sự áp đảo về thị phần và thị hiếu hàng đầu trong dân của thương hiệu vàng miếng SJC, các đơn vị kinh doanh này đã phải đưa vàng tới SJC dập ra sản phẩm vàng miếng mang thương hiệu SJC.