Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch sử dụng
các loại vũ khí robot và thiết bị chiến đấu được điều khiển từ xa trong chiến lược
chiến tranh hiện đại.
Không còn là chuyện viễn tưởng
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work, chiến lược mới nêu trên nhằm đối phó những nước đang phát triển các loại vũ khí tiên tiến, như: tên lửa đạn đạo chống hạm, vũ khí chống vệ tinh.
Chiến lược cũng kêu gọi tuyển mộ những người có khả năng vận hành cỗ máy chiến tranh công nghệ cao để chống lại những lực lượng thua kém về mặt kỹ thuật. “Chiến tranh robot không còn là chuyện khoa học viễn tưởng” - ông Work tự tin nói với báo The Washington Times.
Robot GuardBot do thám Ảnh: Defense One
Cụ thể, Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) trực thuộc Lầu Năm Góc đang phát triển một chương trình gọi là Squad X, tập trung vào sự tương tác giữa người và máy ở cấp độ chiến thuật. Chương trình này bao gồm phát triển robot chiến đấu trên bộ, máy bay không người lái siêu nhỏ, đồng thời trang bị thông tin tình báo và loại vũ khí “siêu sát thương” cho một nhóm binh sĩ để họ có thể hoạt động trong những khu vực rộng lớn.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ còn đặt mục tiêu phát triển các loại xe chiến đấu tự lái, robot giống người làm những công việc như khuân vác, chữa cháy, chống mìn, chống bắn tỉa…
Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng đang thử nghiệm loại súng đại bác có thể bắn ra khoảng 30 máy bay không người lái cỡ nhỏ trong vòng chưa đến 1 phút. Số máy bay này có khả năng bay theo đội hình trong 90 phút để thực hiện các sứ mệnh theo phương thức áp đảo kẻ địch.
Hải quân Mỹ còn hợp tác với một nhóm nghiên cứu tại TP Stamford, bang Connecticut để phát triển robot do thám có kiểu dáng một quả bóng mang tên GuardBot. Với khả năng bơi khoảng 6,4 km/giờ và tiếp tục lăn dài trên mặt đất 32 km/giờ, GuardBot sẽ được trang bị phần mềm mới tích hợp dữ liệu địa lý, cho phép nó tự lăn đến mục tiêu lựa chọn trên bản đồ.
Nỗi lo “robot sát thủ”
Viễn cảnh về việc robot tham chiến đang khiến nhiều người lo ngại. Báo cáo mới đây của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) và Trường Luật Harvard (HLS) đã kêu gọi một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng loại vũ khí hoàn toàn tự động - đang bị lên án là “robot sát thủ” - ngay cả trước khi chúng được phát triển.
Theo nghiên cứu của HRW và HLS, những quy định pháp luật hiện nay đều không trừng phạt bất kỳ ai liên quan đến “robot sát thủ”, như nhà lập trình máy tính, nhà sản xuất, tư lệnh quân đội… trong trường hợp nó gây chết chóc. Theo luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức chỉ bị buộc tội khi có ý định sử dụng robot vào chuyện phạm pháp.
Dù thừa nhận loại vũ khí hoàn toàn tự động vẫn chưa tồn tại nhưng báo cáo nêu trên cho rằng công nghệ hiện đi theo hướng phát triển “robot sát thủ” trong thời gian tới. Chẳng hạn, nhiều quốc gia đang sử dụng các hệ thống phòng thủ được lập trình để tự động đáp trả các mối đe dọa từ vũ khí của kẻ thù. Ngoài ra, đã xuất hiện những nguyên mẫu máy bay có thể tự động bay trong các sứ mệnh liên lục địa, như Taranis của Anh, hoặc tự cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay, như X-47B của Mỹ.
Chưa sẵn sàng tấn công mạng Ông Eric Rosenbach, cố vấn chính của Lầu Năm Góc về an ninh mạng, cho biết quân đội Mỹ có thể đối phó với bất kỳ cuộc tấn công mạng nào nhưng vẫn chưa sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh số. Theo ông Rosenbach, Bộ Chỉ huy an ninh mạng của Mỹ không hề thiếu tiền nhưng lại đang gặp khó ở vấn đề kỹ thuật và nhân lực. Cơ quan này đang đặt mục tiêu lập ra một lực lượng gồm khoảng 6.000 người nhưng bị trục trặc ở khâu huấn luyện. |
Xuân Mai