Chính sách mới >> Quốc tế 07/02/2015 09:04 AM

Đức, Pháp gạt Mỹ khỏi bàn cờ Ukraine?

07/02/2015 09:04 AM

Chuyến thăm Nga bất ngờ của 2 nhà lãnh đạo Đức và Pháp là nhằm đón đầu khả năng Mỹ cung cấp trực tiếp vũ khí cho chính quyền Ukraine

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Moscow hôm 6-2 để bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin về kế hoạch hòa bình mới, được kỳ vọng sẽ mang lại bước ngoặt cho cuộc xung đột đang leo thang ở miền Đông Ukraine. Vấn đề này dự kiến cũng bao trùm cuộc hội thảo an ninh đa phương thường niên ở Munich - Đức hôm 7-2 và các cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng như các lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels - Bỉ cùng ngày.

Các cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh phe ly khai thân Nga cùng quân đội Kiev đang tạm thời ngừng bắn nhân đạo để dân thường sơ tán khỏi thị trấn Debaltsevo thuộc Donetsk, nơi đang xảy ra giao tranh quyết liệt. Tuy nhiên, các tay súng ly khai cũng tuyên bố họ chỉ nhất trí một thỏa thuận đình chiến mới nếu Kiev ngừng bắn trước.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (giữa) bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp ở Kiev hôm 5-2 Ảnh: REUTERS

Trước khi đến Moscow, 2 vị lãnh đạo châu Âu ghé Kiev hôm 5-2 để thảo luận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về kế hoạch nhằm hướng tới kết thúc chiến sự kéo dài 10 tháng qua ở miền Đông Ukraine. Trong cuộc họp, ông Poroshenko một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai toàn diện Hiệp định Hòa bình Minsk đạt được hồi tháng 9-2014. Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn, tiếp tục trao đổi tù binh và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương theo luật pháp Ukraine ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch hòa bình mới không được công bố dù ông Poroshenko bóng gió rằng “hy vọng về một cuộc đình chiến đã nhen nhóm”. Trước chuyến đi Kiev, Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh ông không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, một lập trường được Nga hoan nghênh.

Cũng có chuyến thăm Kiev chớp nhoáng hôm 5-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ sớm quyết định chuyện cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Poroshenko, ông Kerry nói Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao nhưng “không nhắm mắt làm ngơ trước xe tăng và binh lính Nga vượt qua biên giới Ukraine”.

Theo đài BBC, việc Washington xem xét đề nghị cấp vũ khí của Kiev khiến châu Âu lo ngại xung đột sẽ càng leo thang. “Không có lý do gì để ném thêm vũ khí vào đống lửa đang cháy” - Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard bình luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich hôm 5-2 tuyên bố bất cứ quyết định cung cấp vũ khí nào của Mỹ cho Ukraine đều “hủy hoại thô bạo quan hệ Nga - Mỹ”. Báo Financial Times dẫn lời một quan chức EU giấu tên nói chuyến thăm bất ngờ của 2 nhà lãnh đạo Đức và Pháp tới Nga là nhằm đón đầu khả năng Mỹ cung cấp trực tiếp vũ khí cho chính quyền Ukraine. “Cả bà Merkel và ông Hollande đều phản đối hành động này” - quan chức trên nhấn mạnh.

 

NATO tăng cường lực lượng

Các bộ trưởng quốc phòng của NATO hôm 5-2 nhất trí thiết lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 binh sĩ, luôn trong trạng thái sẵn sàng triển khai trong vòng 48 giờ tại mọi khu vực lãnh thổ của các thành viên NATO. Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha sẽ luân phiên chỉ huy lực lượng này trong khi mạng lưới trung tâm chỉ huy được đặt tại Ba Lan, Romania, Bulgaria và 3 nước Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania.

Bên cạnh đó, NATO cũng quyết định tăng quân số thường trực từ 13.000 lên 30.000 để đối phó với “sự gây hấn” của Nga và các nhóm cực đoan ở Trung Đông. Báo Telegraph (Anh) dẫn lời tướng Mỹ Philip Breedlove, Tư lệnh NATO, cho rằng các động thái trên “chắc chắn sẽ dấy lên một loạt phản ứng gay gắt từ Nga”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich lập tức nhận định những động thái mới của NATO là “rất đáng lo ngại” và Moscow “sẽ tính đến trong kế hoạch quân sự” của mình.

THU HẰNG

Theo nld.com.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,433

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]