Tỷ lệ giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình từ 01/7/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
17/12/2024 14:15 PM

Sau đây là bài viết về tỷ lệ giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình từ 01/7/2025 được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024.

Tỷ lệ giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình từ 01/7/2025

Tỷ lệ giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 27/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024.

Tỷ lệ giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình từ 01/7/2025

Theo quy định tại khoản 6 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi khoản 11 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024) thì thành viên hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, cụ thể:

Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

...

5. Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình;”

Thì thành viên hộ gia đình cùng tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ mức đóng như sau:

- Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức tham chiếu;

- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Lưu ý: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. (Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014))

Hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế từ 01/7/2025

Việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định tại Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi khoản 34 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024) như sau:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm y tế bao gồm:

+ Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;

+ Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

+ Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế bao gồm:

+ Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;

+ Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

+ Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.

- Chính phủ quy định chi tiết điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi khoản 34 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024).

Xem thêm Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 có hiệu lực từ 01/7/2024 trừ khoản 2, 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 54

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]