Mặc dù mới chỉ là con số sơ bộ của 46 tỉnh, thành cả nước, tuy nhiên qua đây có thể thấy bước đầu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT tăng gần cán đích 100%, hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX) đột biến khi tăng gần 9% so với năm 2013.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại Hà Nội. (Ảnh: Mai Châm)
Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay, PGS.TS Văn Như Cương - Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nếu tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh thì quá lãng phí sức người, sức của. Nên xét tốt nghiệp cũng là một ý kiến hay bởi nhiều trường nếu để nhà trường tự xét thì tỉ lệ tốt nghiệp không phải là tuyệt đối vì thầy cô biết được sức học của học sinh như thế nào. Còn tổ chức thi mà đỗ 100% thì quá hình thức.
Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, nếu chấm chặt chẽ sẽ chỉ có khoảng 70% thí sinh đỗ tốt nghiệp nhưng hiện nay, tiến tới phổ cập giáo dục nên cũng không thể đòi hỏi điểm cao tốt nghiệp được. Bởi, trong thi tốt nghiệp, nếu đánh trượt nhiều quá, xã hội sẽ hoang mang, phụ huynh lo lắng. Nếu để lưu ban nhiều thì không có chỗ học cho học sinh.
Với ý kiến gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một, GS Dong băn khoăn: “Tôi vẫn chưa hình dung ra được nếu gộp 2 kỳ thi vào một sẽ như thế nào. Nếu kết hợp 2 kỳ thi vào một như vậy, theo tôi không ổn. Điểm tốt nghiệp là tốt nghiệp chứ không thể lấy tốt nghiệp lớp 12 để xét tuyển vào đại học. Không thể tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 12 lao vào thi đại học được. Cơ quan nhà nước phải làm thế nào để điều chỉnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT vào học trường nghề, TCCN, vào đại học”.
“Tôi nghĩ mỗi thanh niên cần vươn tới tri thức học vấn trình độ đại học chứ không phải kiếm bằng được bằng đại học, điều đó không cần thiết. Học là học thường xuyên, học suốt đời. Ví dụ: Người nông dân học để biết tri thức đại học, để tiếp xúc với các nghiên cứu của các nhà khoa học và áp dụng vào sản xuất chứ họ đâu cần phải có bằng đại học” - GS Dong cho hay.
Còn PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ - Địa chất nhận định, phương án thi tốt nghiệp 4 môn năm nay rất nhẹ nhàng, hợp lý.
“Quan điểm của tôi, với kết quả thi tốt nghiệp cả nước đỗ 99% nếu đúng thực chất là tốt. Nếu không đúng thực chất thì con số đỗ 99% là có vấn đề. Tôi cho rằng, nếu không tổ chức thi tốt nghiệp thì học sinh sẽ không học và không tổ chức thi, học sinh sẽ càng không học. Cho nên, cần tổ chức thi một cách thực chất mới là điều mong muốn” – PGS.TS Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, thi tốt nghiệp hiện nay vẫn quá phức tạp, nên đơn giản hóa thi tốt nghiệp và giao về cho địa phương thực hiện.
Không bao giờ bỏ thi tốt nghiệp!
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ 2015, có thể áp dụng 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi quốc gia chung) song song hoặc chỉ áp dụng năm đầu đổi mới (2015) rồi sau đó chỉ còn lại một kỳ thi quốc gia duy nhất. Vừa qua, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội “Đến khi nào chỉ còn một kỳ thi quốc gia và kỳ thi đó được tổ chức theo hình thức nào?”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình thiết kế của việc sẽ tiến tới có kỳ thi quốc gia duy nhất làm cả 2 nhiệm vụ là đánh giá việc tốt nghiệp THPT và tuyển lựa các thí sinh đủ năng lực vào bậc học ĐH, CĐ.
Bộ trưởng Luận giải thích, việc tiến tới kỳ thi quốc gia duy nhất không có nghĩa là bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ. Và có một điều chắc chắn đó là sẽ không bao giờ bỏ kỳ thi tốt nghiệp dù có nhiều dư luận cho rằng với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay thì kỳ thi này không có nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá học sinh.
Theo Bộ trưởng Luận, việc đổi mới như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là một bước đi đầu và sẽ tiếp tục đổi mới sâu hơn theo hướng thi và kiểm tra phát triển năng lực. Những thay đổi đó sẽ phù hợp, không tạo bất ngờ, không gây sốc. Nội dung đề thi kiểm ra năng lực, phẩm chất sẽ ngày càng đậm đặc hơn. Thầy sẽ có những thay đổi trong cách dạy, trò sẽ thay đổi cách học qua tác động của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi. Càng chuyển động quá trình dạy học thì quá trình thi sẽ có những thay đổi phù hợp.
Bộ trưởng Luận khẳng định: “Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình tiến tới một kỳ thi quốc gia làm cả hai nhiệm vụ đánh giá tốt nghiệp THPT và tuyển lựa vào ĐH, CĐ. Chúng tôi đang tính toán, trao đổi và đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này. Bộ GD-ĐT sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi toàn xã hội trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng”.
Cùng với những thay đổi trong cách dạy và học hướng tới dạy - học thực chất, kỳ thi tốt nghiệp sẽ góp phần giúp các em học sinh tự nhận ra trình độ, năng lực của mình. Đồng thời kết quả kỳ thi sẽ là cơ sở để các trường ĐH, CĐ xây dựng các phương án tuyển sinh riêng. Các trường ĐH, CĐ coi kết quả thi tốt nghiệp là tiêu chí cơ bản và xây dựng thêm các tiêu chí đặc thù của trường, ngành học vào để hình thành một bộ tiêu chuẩn tuyển sinh thay vì tổ chức một kỳ thi riêng với các môn tương tự.
Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành hiện thực khi kỳ thi tốt nghiệp không bị bệnh thành tích làm biến dạng, méo mó và vô hiệu hóa. Việc Bộ GD-ĐT đẩy mạnh quá trình tuyển sinh riêng cũng nhằm mục đích tác động lại để thực chất hóa kết quả thi tốt nghiệp. Khi kết quả thi tốt nghiệp là nguyên liệu tuyển sinh ĐH, CĐ thì những tỷ lệ 99% đỗ tốt nghiệp sẽ không còn giá trị nếu tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ của địa phương đó trái ngược như nhiều ý kiến chuyên gia đã nhận định.
Hồng Hạnh
Theo Dân Trí