04 hành vi được xem là uy hiếp đến an toàn của một chuyến bay

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
28/10/2024 16:30 PM

Dưới đây là nội dung quy định về 04 hành vi được xem là uy hiếp đến an toàn của một chuyến bay theo Nghị định 139/2024/NĐ-CP mới ban hành.

04 hành vi được xem là uy hiếp đến an toàn của một chuyến bay

04 hành vi được xem là uy hiếp đến an toàn của một chuyến bay (Hình từ internet)

Ngày 24/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 139/2024/NĐ-CP quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

04 hành vi được xem là uy hiếp đến an toàn của một chuyến bay

Cụ thể, Nghị định 139/2024/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động hàng không dân dụng trong vùng trời Việt Nam; cơ quan, đơn vị quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.

Trong đó, tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 139/2024/NĐ-CP đã quy định can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay đang bay, uy hiếp đến an toàn bay là vi phạm một hoặc các hành vi sau:

(1) Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay đang bay;

(2) Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

(3) Bắt giữ con tin trong tàu bay;

(4) Đưa, sử dụng vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay trái pháp luật, bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm, được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người và an toàn của chuyến bay.

Các máy bay nếu gặp phải 01 trong 04 trường hợp trên khi đang bay trong vùng trời Việt Nam, sẽ bị các máy bay của Quân đội nhân dân Việt Nam (thường là các chiến đấu cơ) bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2024/NĐ-CP.

Thể thức bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

- Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:

+ Tàu bay bay ép tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát; sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định;

+ Sau khi tàu bay vi phạm hạ cánh an toàn tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định, tàu bay bay ép thoát ly khỏi khu vực hoặc hạ cánh theo mệnh lệnh của chỉ huy bay quân sự.

- Điều kiện cảng hàng không, sân bay được chỉ định

Cảng hàng không, sân bay phải phù hợp về điều kiện kỹ thuật bảo đảm cho loại tàu bay vi phạm hạ cánh; địa hình khu vực sân bay phù hợp cho bay vòng, tiếp cận khu vực sân bay để vào hạ cánh; tàu bay vi phạm có đủ nhiên liệu để đến sân bay được chỉ định hạ cánh. Ưu tiên chỉ định hạ cánh tại sân bay có hoạt động hàng không dân dụng.

(Điều 7 Nghị định 139/2024/NĐ-CP)

Thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ quyết định bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

(Điều 11 Nghị định 139/2024/NĐ-CP)

Xem thêm tại Nghị định 139/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 09/12/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 652

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]