Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội từ 26/11/2024 (Hình từ internet)
Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Theo khoản 6 Điều 19 Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ nguyên tắc biểu quyết tại đại hội như sau:
- Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hình thức biểu quyết do đại hội quyết định hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải đảm bảo trên 1/2 số đại biểu chính thức được triệu tập tán thành hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, Điều 20 Nghị định 126/2024/NĐ-CP cũng quy định nội dung chủ yếu, nguyên tắc biểu quyết tại đại hội như sau:
(1) Nội dung chủ yếu của đại hội thành lập:
- Công bố, trao quyết định cho phép thành lập hội;
- Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;
- Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;
- Báo cáo kết quả quá trình vận động thành lập hội;
- Thảo luận điều lệ đã được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP xem xét khi cho phép thành lập hội và biểu quyết điều lệ;
- Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra hội;
- Bầu ban chấp hành hội, ban kiểm tra hội;
- Thông qua chương trình hoạt động nhiệm kỳ của hội;
- Các vấn đề khác (nếu có);
- Thông qua nghị quyết đại hội.
(2) Nội dung chủ yếu tại đại hội nhiệm kỳ:
- Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;
- Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;
- Thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tiếp theo của hội; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, ban kiểm tra; báo cáo tài chính của hội;
- Thảo luận đổi tên hội (nếu có); thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc tiếp tục sử dụng điều lệ hiện hành;
- Chia, tách; sáp nhập, hợp nhất (nếu có);
- Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách ban chấp hành, ban kiểm tra hội;
- Bầu ban chấp hành; bầu ban kiểm tra hội, trừ hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;
- Các vấn đề khác theo quy định của điều lệ hội (nếu có);
- Thông qua nghị quyết đại hội.
(3) Nội dung chủ yếu tại đại hội bất thường:
- Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;
- Thông qua những nội dung thảo luận và quyết định tại đại hội;
- Thông qua nghị quyết đại hội.
Điều kiện tổ chức đại hội:
- Đại hội thành lập được tổ chức khi có trên 1/2 số người đăng ký tham gia thành lập hội theo hồ sơ đề nghị thành lập hội có mặt;
- Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức khi có trên 1/2 số hội viên chính thức đối với đại hội toàn thể hoặc có trên 1/2 số đại biểu chính thức có mặt đối với đại hội đại biểu. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 tổng số thành viên ban chấp hành hoặc có trên 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị;
- Trường hợp không đủ số lượng đại biểu tham gia dự Đại hội theo quy định nêu trên thì ban vận động thành lập hội hoặc ban chấp hành hội đương nhiệm dừng tổ chức đại hội và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hội tổ chức đại hội đảm bảo theo quy định của Nghị định 126/2024/NĐ-CP;
- Đại biểu chính thức tham dự của đại hội không được ủy quyền cho cá nhân khác dự thay, trừ trường hợp đại hội chấp nhận việc ủy quyền.
Ngoài ra, đại hội có thể tổ chức trực tiếp hoặc qua nền tảng ứng dụng trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến do ban vận động thành lập hội hoặc ban chấp hành đương nhiệm quyết định. Hội có trách nhiệm phải đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực để tổ chức đại hội theo đúng điều lệ, quy chế đại hội và quy định của pháp luật.
(Khoản 2, 3 Điều 19 Nghị định 126/2024/NĐ-CP)