Tải App trên Android

Quy định về sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/07/2024 20:15 PM

Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam vừa có Thông tư 40/2024/TT-NHNN, trong đó có quy định về sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử.

Sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử theo quy định của Thông tư 40/2024/TT-NHNN

Quy định về sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử (Hình từ internet)

Ngày 17/7/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN, quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử theo quy định của Thông tư 40/2024/TT-NHNN

Theo Điều 27 Thông tư 40/2024/TT-NHNN đã quy định về việc sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử như sau:

- Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đâm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng tại cùng một thời điểm.

- Trường hợp đồng thời cung ứng dịch vụ ví điện tử và dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo:

+ Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử không được sử dụng chung với tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và phải tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng hợp tác;

+ Việc sử dụng (ghi nợ/ghi có) tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử phải tách bạch với việc sử dụng (ghi nợ/ghi có) tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ.

- Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử chỉ được sử dụng vào việc:

+ Chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết (cho việc sử dụng ví điện tử quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Thông tư 40/2024/TT-NHNN);

+ Chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cho việc sử dụng ví điện tử quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Thông tư 40/2024/TT-NHNN);

+ Chuyển tiền đến tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử của chính tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử đó mở tại ngân hàng hợp tác;

+ Chuyển tiền đến tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác;

+ Thanh toán vào tài khoản thanh toán của đơn vị chấp nhận thanh toán, đơn vị cung ứng dịch vụ công tương ứng với giao dịch sử dụng ví điện tử để thanh toán theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 25 Thông tư 40/2024/TT-NHNN;

+ Hoàn trả tiền cho chủ ví điện tử trong trường hợp sử dụng ví điện tử theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Thông tư 40/2024/TT-NHNN.

+ Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được rút tiền phí mà các bên khấu trừ từ tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử trong trường hợp các bên liên quan khấu trừ trực tiếp tiền phí dịch vụ trên ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về biện pháp chứng minh, đảm bảo số tiền rút từ tài khoản đảm bảo thanh toán là số tiền phí được các bên khấu trừ trong giao dịch ví điện tử.

Đối tượng khách hàng sử dụng ví điện tử

Tại Điều 17 Thông tư 40/2024/TT-NHNN, cũng đã quy định về đối tượng khách hàng sử dụng ví điện tử như sau:

- Khách hàng sử dụng ví điện tử bằng đồng Việt Nam là cá nhân, tổ chức có tài khoản đồng Việt Nam tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ tài khoản thanh toán chung).

- Đối với ví điện tử của tổ chức:

Chủ ví điện tử được ủy quyền trong sử dụng ví điện tử. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền và quy định sau:

Chủ ví điện tử gửi tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử nơi mở ví điện tử văn bản ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức (sau đây gọi là người đại diện hợp pháp), kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán) kèm tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết đối với cá nhân là người được ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 40/2024/TT-NHNN.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải áp dụng biện pháp xác minh thông tin nhận biết đối với người được ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 40/2024/TT-NHNN.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được mở ví điện tử cho chính mình.

Xem thêm nội dung tại Thông tư 40/2024/TT-NHNN có hiệu lực ngày 17/7/2024, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 52 của Thông tư này.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,541

Bài viết về

Thanh toán không dùng tiền mặt

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]