Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/03/2023 14:32 PM

Tôi muốn hỏi có những hình thức nào trong việc lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ? - Thanh Nhung (Long An)

Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ

Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

1. Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ

Theo Điều 4 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ bao gồm:

- Các công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế khi đáp ứng quy định tại Điều 15 Luật Đấu thầu 2013, cụ thể như sau:

Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

+ Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế;

+ Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá.

Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế;

+ Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

- Các công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong trường hợp:

+ Dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;

+ Dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, trong đó không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đăng ký thực hiện dự án hoặc đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT;

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Cơ quan quản lý đường bộ ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT và giao Cơ quan quản lý đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT;

+ Dự án có yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền và ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu bảo đảm quốc phòng hoặc ý kiến thống nhất của Bộ Công an đối với yêu cầu bảo đảm an ninh.

2. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ

Cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT, các căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ bao gồm:

- Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư) hoặc Quyết định phê duyệt danh mục dự án (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư);

- Quyết định phê duyệt áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi;

- Các văn bản có liên quan (nếu có).

3. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ

Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ giao thông đường bộ phải đảm bảo có các nội dung được quy định tại Điều 13 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT, cụ thể như sau:

- Tên dự án.

- Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến (nếu có) hoặc chi phí giải phóng mặt bằng thu hồi đất của dự án đã được Nhà nước chi trả.

- Hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư

+ Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi;

+ Xác định rõ phương thức lựa chọn nhà đầu tư là một giai đoạn một túi hồ sơ hoặc một giai đoạn hai túi hồ sơ theo quy định tại Điều 28 hoặc Điều 29 Luật Đấu thầu 2013.

- Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm.

- Loại hợp đồng.

- Thời gian thực hiện hợp đồng là số năm hoặc tháng tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.

Thông tư 01/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,717

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn