Bỏ thuế TTĐB với xăng dầu?

18/05/2013 17:42 PM

Hiện nay, với mỗi lít xăng dầu, người dân và doanh nghiệp gánh hơn 8.000 đồng thuế, phí.

Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức ngày 17-5 tại Hà Nội, Chủ tịch VINPA Phan Thế Ruệ cho biết sau khi cân nhắc ba phương án trong dự thảo, VINPA nghiêng về phương án một.

Quỹ bình ổn thành quỹ dự trữ?

Tuy nhiên, theo ý kiến chung của VINPA, thay vì được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng khi thông số đầu vào biến động làm cho giá cơ sở tăng dưới hoặc bằng 5%, doanh nghiệp (DN) đề xuất chỉ nên được phép tự điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi tối đa 3%, tương đương mức giá khoảng 500 đồng/lít.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nói mức giá điều chỉnh dao động 500-600 đồng/lít là hợp lý, tương đối hài hòa với thị trường. Nếu trên mức đó có thể sử dụng quỹ bình ổn giá nếu không giá sẽ tăng rất cao.

Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức ngày 17-5 tại Hà Nội. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực VINPA, cho rằng nếu theo chu kỳ 10 ngày điều chỉnh thì mỗi tháng có thể thay đổi giá ba lần với mức dao động đó. Biên độ giá này sẽ khiến người dân dễ chấp nhận hơn so với phương án 5% (tương đương mức giá 1.000 đồng/lít) mà Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo.

Đặc biệt, VINPA kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá khi người dân chấp nhận giá xăng dầu bán theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, từ đó làm minh bạch giá bán lẻ. Trường hợp tiếp tục duy trì quỹ thì nên đổi tên là Quỹ dự trữ tài chính. Để trích lập quỹ, DN kinh doanh xăng dầu sẽ trích 0,5% doanh số (tương đương 130 đồng/lít) và trích một khoản lợi nhuận trước thuế của DN. Quỹ này do DN quản lý và sử dụng trong hai trường hợp: Điều chỉnh giá xăng dầu hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh…

Cần thì tăng phí môi trường

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Dầu khí Đồng Tháp, cho rằng ngoài điều chỉnh cách tính thuế suất nhập khẩu ổn định trong năm thì các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần tính toán hợp lý.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như bia rượu, thuốc lá nhưng xăng dầu lại ảnh hưởng trực tiếp đến cả nền kinh tế, đời sống người dân nên rất cần xem lại. Chúng ta đã có phí bảo vệ môi trường rồi, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu do đó nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, cần thiết thì tăng phí môi trường. Như thế người tiêu dùng sẽ không bị áp lực lớn” - ông phân tích.

Bên cạnh đó, VINPA còn đề xuất giữ ổn định thuế nhập khẩu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới, sản lượng nhập và khung thuế suất hợp lý.

VINPA lý giải nguồn thu từ xăng dầu chiếm 10% ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, việc điều chỉnh thuế hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu bình ổn giá nên mục tiêu thu ngân sách trở thành thứ yếu. Giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, thuế nhập khẩu được điều chỉnh liên tục gây khó khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Do đó, ổn định thuế trong năm sẽ tạo sự thuận tiện khi tính giá cơ sở, giá bán lẻ cho DN, ngăn chặn hành vi trục lợi từ hoạt động tạm nhập tái xuất.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, thuế nhập khẩu phụ thuộc vào giá thế giới nhưng cơ quan điều hành chưa áp theo Nghị định 84 nên gây khó khăn cho DN. “Nếu việc ổn định thuế nhập khẩu theo năm không thể thực hiện thì mức thuế cũng nên ổn định ở thời hạn sáu tháng để DN chủ động phương án sản xuất, kinh doanh” - ông nói thêm.

Vấn đề tính thuế cũng được ông Trịnh Quang Thanh (VINPA) kiến nghị Nhà nước cần xem xét lại. Bởi hiện nay, mỗi lít xăng dầu, người dân và DN gánh hơn 8.000 đồng thuế, phí.

TRÀ PHƯƠNG

Theo Pháp Luật TP

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,980

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]