Tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng Thuế TNCN mới

17/05/2013 09:08 AM

Luật thuế TNCN được nhiều nước trên thế giới coi là” Luật Thuế Vua”, “Luật Thuế Nữ hoàng” vì Luật này khi đi vào cuộc sống tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội về nhiều mặt. Để phát huy hiệu quả, cần có các hướng dẫn rõ ràng minh bạch, cụ thể về các khoản thu nhập cá nhân phải chịu thuế.

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Thị Cúc, nguyên Tổng Cục phó Tổng cục Thuế, hiện là Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế tại Hội thảo “Hướng tới thực thi hiệu quả Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi)” do Tạp chí Tài chính, Bộ Tài chính, tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội.

Bồi dưỡng nguồn thu dài hạn

Là một trong những người nhất trí thông qua sắc thuế này, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, cho rằng việc sửa đổi 6/35 điều của Luật Thuế TNCN lần này đã đạt được cơ bản những tiêu chí đề ra, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, lợi ích doanh nghiệp cũng như của Nhà nước.

“Sắc thuế này rất hợp lý đặc biệt trong bối cảnh tình hình lạm phát còn cao, tăng trưởng kinh tế hiện tại và trong một vài năm tới còn thấp. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng đồng nghĩa với việc kích cầu, người dân có điều kiện tích lũy, tái tạo sức lao động, tăng cường tiêu dùng”, ông Nhã nhận xét.

Nhấn mạnh những ưu việt của Luật Thuế TNCN, TS. Nguyễn Thị Cúc lấy ví dụ từ năm 1991 nguồn thu từ Thuế TNCN có mức giảm trừ rất thấp nhưng mức thu chỉ đạt ở 62 tỷ đồng, đến năm 2012 dù có mức giảm trừ cao hơn nhưng số thu là khoảng 46.000 tỷ đồng.

Trước việc cân đối thu NSNN, thực thi các sắc thuế theo hướng khoan thư sức dân, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc; nâng mức chịu thuế cũng như định danh các đối tượng chịu thuế trong lần sửa đổi này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng những ý kiến nhiều chiều rất bổ ích để tiếp tục xây dựng các quy định sát thực tiễn, hợp lòng dân và không lo thất thu NSNN trong dài hạn.

Sát thực tế mới phát huy hiệu quả

Góp ý về nội dung Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN, TS. Nguyễn Thị Cúc cho rằng chưa thật sự rõ ràng, minh bạch. Cụ thể khi quy định về các khoản thu phải chịu thuế, cơ quan soạn thảo sau khi liệt kê ra các khoản thu nhập, có thêm nội dung: “Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả  mà người nộp thuế được thụ hưởng dưới mọi hình thức”.

Trong thực tế các khoản lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ cơ quan chi trả thu nhập rất đa dạng: Tiền thuê nhà ở, tiền học cho con, cung cấp báo chí, nghỉ mát, tham quan, xe đưa đón... nếu đưa vào tất cả các khoản lợi ích vật chất thì khó có thể quản lý thu đầy đủ và cũng không hợp tình hợp lý. TS. Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cơ sở tính thuế cần có tính khoa học và thực tiễn cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng so với các quy định trước đây, dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa các nội dung của Luật, nhất là tiêu chí xác định người cư trú, cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú.

Mặt khác, Nghị định sẽ quy định rõ những loại phụ cấp, trợ cấp độc hại, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, bảo trợ xã hội, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, sinh con, trợ cấp thôi việc, mất việc làm, thất nghiệp... không thuộc diện tính thuế.

Ngược lại, một số loại phụ cấp gắn với vị trí công tác, chức vụ thì quy định rõ là thu nhập tính thuế như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp trách nhiệm của Hội đồng quản trị DN. Đối với các loại lợi ích khác mà cá nhân nhận được bằng tiền hay không bằng tiền, những khoản DN cam kết trả thay cho người lao động thì DN được tính vào chi phí, còn cá nhân nhận trực tiếp thì phải kê khai nộp thuế.

Riêng những khoản tiền DN hỗ trợ cho người lao động bị tai nạn, bố mẹ ốm đau, DN trực tiếp chuyển tiền vào bệnh viện, nơi khám chữa bệnh để người lao động không phải bỏ tiền ra thì sẽ không bị tính thuế.

Huy Thắng

Theo Chinhphu.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,720

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn