Như Thanh Niên đã thông tin, gần 63 ha rừng phòng hộ giàu trữ lượng gỗ thuộc tiểu khu 222 và 224 - Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ xã Nguyễn Huân, H.Đầm Dơi, bị phá để chia cho 13 cán bộ, nhân viên của BQL và vợ, con của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện này làm vuông nuôi tôm.
Tháng 4.2009, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Trần Xuân Khuya (Phó chủ tịch UBND H.Đầm Dơi); Nguyễn Văn Tuồng (Trưởng phòng NN-PTNT); Nguyễn Bình Nguyên (Chánh văn phòng UBND huyện); Trần Trung Vũ (Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường) và Mai Thanh Trúc (Trưởng BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi) với tội danh “vi phạm các quy định về quản lý rừng”.
Vụ việc đã bị TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2012 và đến ngày 13.9.2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt 5 cán bộ trên từ 2 năm đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Thế nhưng theo nguồn tin của Thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị UBND H.Đầm Dơi (Cà Mau) bố trí lại công việc cho 5 cán bộ trên. Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi, cho biết "địa phương đang rất khó xử, nên vẫn chưa bố trí việc cho các cán bộ này và đang trình cấp trên xin ý kiến”.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Lê Hoàng Bé, Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau, giải thích: “Thực sự chúng tôi đang gặp khó, bởi theo NĐ 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử lý kỷ luật đối với công chức, thì các trường hợp trên không thuộc diện bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Vì vậy dù các đối tượng trên bị đình chỉ công tác từ năm 2009 và đang thụ án, nhưng ngân sách vẫn phải trả lương hằng tháng cho họ. Theo luật nếu kết án thì họ đã mất quyền công dân, nhưng họ vẫn là công chức. Và khi ra công văn này chúng tôi gặp nhiều phản ứng dữ dội của dư luận tại địa phương nơi các cán bộ này cư trú. Chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết của Bộ Nội vụ nhiều tháng qua, nhưng chưa được trả lời”.
Được biết, hằng tháng ngân sách H.Đầm Dơi phải chi gần 20 triệu trả lương và BHXH cho 5 cán bộ trên. Ông Võ Thanh Tòng than vãn: “Trong thời gian qua chúng tôi bị các cán bộ về hưu, công nhân viên chức và cử tri trong tất cả các cuộc tiếp xúc phản ứng gay gắt vì trả lương cho 5 người này. Họ thắc mắc cán bộ vi phạm pháp luật, đang thụ án không bố trí công việc lại được, sao vẫn phải trả lương. Nhưng theo NĐ 34/2011/NĐ-CP thì không thể cắt lương họ được. Tuy nhiên, bố trí lại công việc cho họ thì khó vô cùng, do uy tín của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Tôi đã trực tiếp đến làm việc với Giám đốc Sở Nội vụ nhưng chưa có quyết định cuối cùng”.
Phòng Tài chính của H.Đầm Dơi cũng nhiều lần phản ứng và yêu cầu UBND H.Đầm Dơi có quyết định dứt điểm về việc trả lương hơn 2 năm nay cho các cán bộ phá rừng đang thụ án.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM): Đi ngược lại tinh thần của luật pháp
Trước hết cần hiểu “án treo” không phải là hình phạt, mà là hình thức “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện ở đây là “thời gian thử thách”. Trong thời gian thử thách nếu phạm tội mới thì án treo sẽ bị chuyển thành án giam.
Theo Nghị định 34, hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật là một trong những hành vi bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, hình thức xử lý kỷ luật theo nghị định này gồm có: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc… Trong đó, những cán bộ bị tòa tuyên án nhưng cho hưởng án treo chỉ bị xử lý “cảnh cáo” (công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), bị “cách chức” (công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý). Công chức chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc nếu bị phạt tù mà không được hưởng án treo. Nghị định này cũng quy định trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Nếu điều tra, xét xử kết luận công chức bị oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại. Nếu bị xử lý kỷ luật hoặc bị tòa án tuyên là có tội không được truy lĩnh 50% còn lại.
Nhưng nghị định trên lại quy định tréo ngoe lấy ngân sách trả lương và các khoản trợ cấp công chức chấp hành hình phạt tù gây bức xúc trong dư luận. Nghị định không buộc thôi việc những công chức vi phạm pháp luật bị tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo là đi ngược lại tinh thần của luật pháp: một người bị tòa án xử phạt về hình sự đương nhiên quyền nhân thân bị hạn chế không thể tiếp tục làm việc như một công dân bình thường, đặc biệt ở một số công việc mang tính chất thanh liêm, mẫu mực; và cho thấy luật pháp không nghiêm minh. Do đó cần thiết phải bãi bỏ.
Lê Nga (ghi) |
Gia Bách
Theo Thanh Niên