Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
13/12/2022 10:47 AM

Trong thời gian tới, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có sửa đổi, bổ sung gì không? – Văn Huy (Trà Vinh)

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chính phủ ban hành Nghị quyết 159/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2022. Theo đó, Chính phủ quyết nghị:

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường, trong đó việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, tương thích với sự thay đổi của hệ thống pháp luật trong nước và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP) mà Việt Nam đã ký kết là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành cần đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phát triển kinh tế các ngành, lĩnh vực ở nước ta; tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Về các chính sách trong Đề nghị xây dựng luật, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, cụ thể như sau:

- Rà soát, chỉnh lý về tên gọi, phạm vi và nội dung chính sách phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy hội nhập quốc tế và triển khai các cam kết quốc tế. Đồng thời, bổ sung giải pháp nhằm tăng cường minh bạch và đổi mới quy trình xây dựng, ban hành, công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia và địa phương.

- Tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn các giải pháp chính sách trong mối quan hệ của Luật này với Luật Tiếp cận thông tin và các luật có liên quan về: đối tượng, cơ quan có thẩm quyền, hình thức, nội dung thông tin để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách đẩy nhanh việc số hóa và xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý lĩnh vực này để phù hợp với chủ trương tiếp cận nền kinh tế số để kết nối dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp, khả thi và đồng bộ.

- Chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp, quy định cụ thể về thẩm quyền cho các Bộ, địa phương phê duyệt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm rõ trách nhiệm quản lý lĩnh vực này, đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho các cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp; đổi mới quy trình, thủ tục phê duyệt tiêu chuẩn, quy chuẩn; bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết 56/2017/QH14 của Quốc hội không quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế trong dự án luật.

- Rà soát đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để sửa đổi, bổ sung đầy đủ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo; đồng thời không để khoảng trống pháp lý.

Xem chi tiết tại Nghị quyết 159/NQ-CP ngày 12/12/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,558

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]