Chiều 4-9, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết việc đưa tên cha mẹ vào CMND hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành, như tuân thủ Nghị định 170/2007 của Chính phủ và Thông tư 27/2012 của Bộ Công an về CMND. “Hai văn bản này đã được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành liên quan và không có ai phản đối”- ông Quân nói.
Bộ Công an vẫn sẽ cấp đổi CMND theo mẫu mới |
Đa phần đều ủng hộ
Ông Quân cho biết lãnh đạo Bộ Công an chưa bao giờ có ý kiến về việc dừng triển khai quy định đưa tên cha mẹ vào CMND theo mẫu mới. Việc tạm dừng cấp CMND mẫu mới thời gian qua chủ yếu do liên quan đến việc kiện toàn hệ thống máy móc, công nghệ in ấn. Việc trang bị máy móc và tập huấn cho cán bộ công an thực hiện việc cấp, đổi CMND tại 3 quận, huyện ở Hà Nội là Tây Hồ, Từ Liêm, Hoàng Mai đã cơ bản hoàn thành. Sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai thêm ở 9 quận, huyện của Hà Nội.
“Qua báo chí, chúng tôi đã ghi nhận được một số ý kiến cho rằng việc đưa tên cha mẹ vào CMND gây rắc rối cho người dân nhưng đứng ở góc độ quản lý, chúng tôi thấy rất nhiều người dân trùng tên, quê quán… Điều này không chỉ gây phức tạp cho quá trình quản lý mà còn khiến người dân bị phiền hà khi thực hiện các giao dịch dân sự” - ông Quân nói. “Lâu nay, người dân sử dụng giấy khai sinh với đầy đủ họ tên cha mẹ để thực hiện các giao dịch dân sự nhiều hơn cả dùng CMND nhưng có sao đâu?” - ông Quân so sánh.
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Công an có khảo sát phản ứng của người dân về chủ trương mới này hay không, ông Quân cho biết có một số không đồng tình nhưng đa phần đều ủng hộ. Vì vậy, Bộ Công an đã chỉ đạo trong tháng 9 này sẽ triển khai cấp CMND mẫu mới tại 12 quận, huyện ở Hà Nội. Sau đó, sẽ tổng kết, đánh giá và triển khai cấp đổi CMND mẫu mới trên cả nước.
Nên quản lý qua mã vạch
Trong ngày 4-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp nhiều người dân tại 3 quận, huyện đầu tiên trên cả nước sẽ thực hiện cấp đổi CMND theo mẫu mới là Tây Hồ, Hoàng Mai và Từ Liêm. Phần lớn người dân bày tỏ không đồng tình với quy định đưa tên cha mẹ vào CMND. Ông Nguyễn Bình Minh (47 tuổi, ngụ phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) cho rằng với người bình thường sẽ không có vấn đề gì nhưng đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt như con ngoài giá thú, bị cha hoặc mẹ bỏ rơi, cha mẹ tù tội,… việc đưa tên cha mẹ vào CMND sẽ gây cho họ không ít mặc cảm.
Theo ông Nguyễn Đức Long (46 tuổi, ngụ đường Âu Cơ, quận Tây Hồ) ngành công an nên cải tiến công nghệ và quản lý công dân thông qua mã vạch, lúc đó việc điều tra lý lịch sẽ đơn giản hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Việt (67 tuổi, ngụ khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm) thì cho rằng việc ghi tên cha mẹ vào CMND chỉ thuận tiện cho một số cá nhân khi giao dịch ở ngân hàng hay làm thủ tục hưởng thừa kế. Ngoài ra, nó không hề cần thiết trong giao dịch hay trong đời sống của phần lớn người dân.
Nhiều điều không ổn Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc đưa tên cha mẹ vào CMND có rất nhiều điều không ổn.“Những người nhiều tuổi, cha mẹ mất từ lâu, thiếu cha hoặc mẹ, không có cha mẹ,… chắc chắn không muốn thực hiện việc này” - ông Tiến nhận xét. Theo ông Tiến, nếu Bộ Công an vẫn quyết thực hiện, đến khi họp Quốc hội, đại biểu chất vấn và thấy rằng việc làm này có nội dung trái luật, chưa phù hợp và xin điều chỉnh thì đã gây ra tốn kém không nhỏ. TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết quan điểm trước sau như một của ông là quy định đưa tên cha mẹ vào CMND theo Nghị định 170 và Thông tư 27 không phù hợp với Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia và Bộ Luật Dân sự. “Dư luận đã lên tiếng, phân tích đúng sai về quy định này nhưng nếu Bộ Công an vẫn tiếp tục thực hiện sẽ không ổn. Về việc này, nếu các cơ quan liên quan chậm hoặc không lên tiếng thì thẩm quyền sẽ chỉ còn thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Nếu Chính phủ yêu cầu dừng và điều chỉnh Nghị định 170 thì việc triển khai đưa tên cha mẹ vào CMND mới có thể dừng” - TS Lê Hồng Sơn phân tích. |
Theo Người lao động