Theo dự thảo luật, mặt hàng thuộc diện điều chỉnh trong dự trữ quốc gia bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) chỉ ra, ta còn ít nhất hai nguồn lực dự trữ quốc gia nữa là nguồn lực dự trữ tài chính và dự trữ xăng dầu, năng lượng.
Đồng ý với nhận định của ông Lĩnh "đối với các nước tài chính là nguồn dự trữ quan trọng nhất", ĐB Hà Nội Chu Sơn Hà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào trong nguồn hình thành dự trữ quốc gia cả vàng và ngoại tệ.
Các ĐB trao đổi ngoài hành lang hội trường họp QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lưu ý: "Nếu hình thành vô hình trung lại trùng với quỹ dự trữ ngoại hối, làm phân tán nguồn lực quốc gia, vì dự trữ ngoại hối chúng ta đã giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý, làm chức năng điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt chính sách tỷ giá để ổn định sức mua đối ngoại của đồng tiền, để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định sức mua đối nội".
Trao đổi bên hành lang, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) lại chỉ ra chính việc không đưa năng lượng, khoáng sản vào nguồn hình thành dự trữ quốc gia đã thể hiện "tầm nhìn ngắn" của dự thảo luật. Bà An nhấn mạnh nhiều nước thậm chí còn mua dự trữ các mặt hàng này để dành cho hàng chục, hàng trăm năm sau.
Kể cả với các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu, các ĐB cũng thấy dự luật cần quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo dữ trự tốt các mặt hàng này.
ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) chỉ ra qua 8 năm thực hiện Pháp lệnh dự trữ quốc gia, tổng dự trữ quốc gia mới đạt 0,38% GDP, hiện tồn kho chỉ có 500 ngàn tấn thóc, 422 mét khối xăng, dầu đáp ứng đủ cho 10 ngày sử dụng, những mặt hàng khác chỉ khoảng 20% - 30% so với kế hoạch và không đáp ứng được nhu cầu nếu có tình huống cấp bách xảy ra trên diện rộng và kéo dài.
"Trong khi nước lân cận chúng ta là Indonesia thường xuyên xảy ra bão, động đất, cháy rừng nhưng lúa dự trữ đủ dùng từ 3 - 4 tháng", bà Phương nói.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì thấy chất lượng hàng dự trữ, kho tàng, cơ sở, vật chất hiện chưa được quản lý thật chặt chẽ. "Hàng hóa kém phẩm chất, cơ sở, vật chất, kho tàng chưa đảm bảo làm giảm chất lượng hàng dự trữ đến khi cần sử dụng thì không sử dụng được", ông Vinh nói.
Chia sẻ nhận định này, ĐB Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh dự trữ lương thực không thể theo kiểu nông dân hoặc kiểu hợp tác xã như ngày xưa được nữa: "Phải có hệ thống kho công nghệ cao mới có thể đảm bảo chất lượng lương thực, đảm bảo không những bình ổn thị trường trong nước mà còn xuất khẩu".
Ông Trần Ngọc Vinh đồng tình rằng hàng hóa dự trữ quốc gia không chỉ là nguồn hàng để sử dụng với mục đích dự trữ mà cần phải được sử dụng để phục vụ cho lợi ích quốc gia, làm lợi cho nền kinh tế, như vậy mới giảm được lãng phí, tránh việc hàng hóa bị giảm chất lượng sử dụng.
Chính vì vậy, nhiều ĐB ủng hộ quy định thêm nguồn hình thành ngoài ngân sách nhà nước, nhằm động viên sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào hoạt động dự trữ quốc gia.
ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) chỉ ra cần phải có doanh nghiệp công ích hay doanh nghiệp hạch toán kinh doanh tham gia để luân chuyển hàng hoá, tránh để lâu. "Nếu không có các doanh nghiệp thì việc quản lý sẽ trở thành xơ cứng, cứ 2-3 năm, gần hết hạn mới xuất lương thực", ông Long nói.
Chung Hoàng