29/02/2012 00:52 AM

Cho rằng mức thu phí hiện tại trên cao tốc TP HCM - Trung Lương là quá cao, ảnh hưởng đến giá vận tải và hàng hóa, Hiệp hội vận tải TP HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng giảm 50% mức phí hiện tại.

Ngày 28/2, ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng, đồng gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính kiến nghị về việc thu phí của Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án Cửu Long (Công ty Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải).

Theo Hiệp hội, hiện nay doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại chủ yếu sử dụng xe tải trọng lớn (trên 10 tấn) hoặc xe đầu kéo chở container. Với mức phí hiện tại trên cao tốc TP HCM - Trung Lương 8.000 đồng mỗi km, các xe này phải đóng 640.000 đồng một chuyến là quá cao. Việc này sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và cuối cùng người dân phải gánh chịu. Các chủ xe, tài xế chắc chắn sẽ chọn quốc lộ 1A lưu thông để "né" trạm thu phí như thực tế 3 ngày qua.

Sau 3 ngày thu phí, lượng xe qua cao tốc TP HCM - Trung Lương giảm gần 50% so với trước kia vì mức phí quá cao. Ảnh: H.C.

Cũng theo Hiệp hội, mức phí áp dụng với các phương tiện qua cao tốc còn nhiều điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn, giá cước chở container 40 feet và 20 feet gần như không chênh lệch do trọng lượng hàng hóa tối đa trong xe là bằng nhau nhưng xe 40 feet lại chịu mức phí gấp đôi. Còn xe khách 12 chỗ chênh lệch lớn với xe 30 chỗ nhưng lại thu đồng mức 1.500 đồng một km.

"Để phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế tác động tăng giá cả hàng hóa dịch vụ trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, chúng tôi kiến nghị nhà nước nên giảm mức phí cho phương tiện vận tải xuống còn 50% mức phí đang áp dụng", ông Trung cho biết.

Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng không cho phép đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A để hỗ trợ cho đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Theo ông Trung, quy định của Thường vụ Quốc Hội nêu rõ, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này. Vì vậy, nếu phương tiện không sử dụng dịch vụ đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường này.

Ngoài ra, lý do đặt thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A nhằm điều tiết giao thông trên tuyến đường này và hỗ trợ nguồn thu cho đường cao tốc cũng chưa phù hợp với quy định tại Pháp lệnh phí nói trên của Quốc hội.

Trước đó, từ ngày 25/2, công ty Cửu Long đã thu phí đối với tất cả phương tiện lưu thông qua cao tốc TP HCM - Trung Lương với mức phí từ 1.000 đến 8.000 đồng một km.

Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí 10.000-40.000 đồng.

Xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí 15.000-60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000-88.000 đồng.

Đối với xe có trọng tải từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet sẽ phải nộp 40.000-160.000 đồng. Từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí là 80.000-320.000 đồng.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, tổng vốn đầu tư là 9.800 tỷ đồng. Với mức thu như trên, Tổng công ty Cửu Long tính toán sẽ có thể hoàn vốn đường cao tốc sau 25 năm.

Trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ có 4 trạm ra vào để thu phí gồm: Chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa.

Sau 3 ngày thu phí, các phương tiện nhất là xe tải nặng và container đã chuyển sang đi theo quốc lộ 1A nên lượng xe qua cao tốc đã giảm gần một nữa so với trước khi thu phí.

Hữu Công

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,203

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn