Luật quên mất du lịch thể thao và mạo hiểm?

06/06/2017 08:54 AM

Đọc hết 83 điều thuộc 9 chương của dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) đang được thảo luận tại Quốc hội, tôi chưa thấy chỗ nào đề cập đến du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao.

Không ít ý kiến cho rằng trong khi du lịch quốc tế đang như một dòng thác mạnh thì du lịch Việt như một dòng sông lặng lờ.

Nhiều người đã nói đến chuyện trong khi thế giới phát triển về kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tuyến, thì dự thảo Luật du lịch sửa đổi chưa đề cập đến.

“Chui” mà công khai

Vài năm gần đây, dư luận có lúc rộ lên một cách đầy lo ngại khi nghe nơi này nơi kia xảy ra những tai nạn chết người khi tham gia du lịch mạo hiểm (cụ thể ở Đà Lạt với các tour chinh phục thác).

Con trai tôi, một thanh niên rất ưa thích những trò chơi vận động, mang tính mạo hiểm đã không thể bỏ qua việc đăng ký đi tour chinh phục thác ở Đà Lạt. Tìm hiểu về chuyện này thì được biết ở Đà Lạt chỉ có mỗi một đơn vị nhà nước được phép làm điều này.

Tuy nhiên, giới trẻ đang đi học nên khả năng tài chính eo hẹp, đã mày mò tìm hiểu trên mạng và phát hiện có vô vàn đơn vị tổ chức tour chinh phục thác chứ không chỉ mỗi đơn vị nhà nước được cấp phép.

Và không ít người đã chọn một tour trên mạng được hiểu là tổ chức “chui”, nhưng được rất nhiều ý kiến đánh giá là “tổ chức chuyên nghiệp, các dụng cụ để chinh phục thác toàn là đồ xịn, an toàn”. Và cũng dĩ nhiên, tour “chui” này rẻ hơn nhiều!

Nhân vật tổ chức tour “chui” ấy là một bạn trẻ nổi tiếng trong giới phượt cả nước chứ không riêng gì Đà Lạt. Người này không dám công khai danh tính vì ngại bị ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của mình.

Anh tâm sự: “Nhiều người đã sử dụng tour này rồi, rất an toàn, chất lượng, sử dụng toàn các thiết bị chuyên dùng nổi tiếng thế giới. Nhưng tôi không thể nào xin phép được, chỉ thành lập một công ty du lịch chung chung rồi lẳng lặng khai thác loại hình du lịch mạo hiểm này.

Vì vậy, rất mong trong luật có quy định rõ ràng, tạo ra một hành lang pháp lý cho du lịch mạo hiểm phát triển. Chứ như thế này bị xem là tổ chức chui, trái phép, dù rằng trong số các đơn vị tổ chức không phép cũng có lắm người làm ăn cẩu thả, chụp giật, không quan tâm đến sự an toàn - là yếu tố số 1 - cho du khách”.

Nói đến du lịch mạo hiểm, có lẽ chỉ cần đến với Phong Nha (Quảng Bình) - nơi được gọi là “Vương quốc hang động” - sẽ thấy ngay sự hiệu quả của nó.

Vùng đất này, con người ở đây đang có cuộc sống tốt hơn hẳn ngày xưa kể từ khi những tour chinh phục Sơn Đoòng, Tú Làn, Hang Én... ra đời, thu hút đông đảo du khách ưa thích loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên đổ về đây.

Chậm chân

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, người ta đã thừa nhận du lịch mạo hiểm chiếm một phần quan trọng trong miếng bánh khổng lồ mang tên du lịch.

Theo một điều tra toàn cầu về thị trường du lịch mạo hiểm tiến hành vào năm 2013 bởi ATTA (viết tắt của Tổ chức Du lịch mạo hiểm thương mại - Adventure Travel Trade Association), giá trị của loại hình du lịch này lên đến 263 tỉ USD, tăng 195% trong vòng hai năm.

Năm 2014, ATTA còn đưa ra những con số thú vị trong báo cáo thường niên của mình, đó là du lịch mạo hiểm có những đặc điểm như:

(1) Thu hút khách có khả năng chi trả cao. Những nhà điều hành tour du lịch mạo hiểm cho biết trung bình khách hàng của họ trả 3.000 USD cho một chuyến đi trong thời gian trung bình là 8 ngày;

(2) Đóng góp nhiều cho nền kinh tế địa phương. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 5% trong tổng số chi phí khách du lịch trả cho một tour du lịch đại trà tại các nước đang phát triển đóng góp vào nền kinh tế của điểm đến, trong khi đó con số này của du lịch mạo hiểm là 65,5%.

Tuy nhiên, du lịch mạo hiểm rất phức tạp khi nó bao gồm nhiều loại hình hoạt động khác nhau, thường được phân loại là nhóm dễ và nhóm khó. Các hoạt động trong nhóm dễ và khó đều có khả năng sinh lời cao.

Ví dụ một chuyến du lịch mạo hiểm loại dễ trong thời gian trung bình 8 ngày được các công ty kinh doanh du lịch đưa ra mức giá từ 2.700 USD, chưa bao gồm tiền vé máy bay; còn một chuyến leo núi Everest có giá khoảng 48.000 USD.

Chính vì phức tạp nên nó cần phải được đưa vào luật để tạo ra một hành lang pháp lý cho du lịch mạo hiểm phát triển.

Giám đốc một công ty du lịch đang khai thác một số hang động tại Việt Nam cho rằng: “Vẫn biết là đã quá chậm chân, song vẫn còn hơn không.

Bởi vì Việt Nam chúng ta hấp dẫn với du khách ưa thích loại hình này khi được thiên nhiên ban cho vô số những điều kiện thuận lợi.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng Luật du lịch cần phải đưa loại hình này vào với những quy định về pháp lý rõ ràng, cụ thể cho nó phát triển, chứ không thể để tự phát, manh mún như hiện nay”.

Đại hội thể thao bãi biển vì huy chương hay vì du lịch?

Nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Đà Nẵng hồi năm ngoái, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã tổ chức một hội nghị về du lịch thể thao ngay tại đây.

Tại hội nghị, các nhà quản lý du lịch, thể thao thật sự ngỡ ngàng khi nghe báo cáo về du lịch thể thao (sports tourism) của UNWTO công bố.

Theo đó, ước tính doanh thu toàn cầu từ du lịch thể thao vào khoảng 800 tỉ USD, chiếm khoảng 10% doanh thu của du lịch quốc tế. Ở một số nước, du lịch thể thao chiếm tới 25% doanh thu du lịch, ví dụ như Úc, New Zealand...

Ở Việt Nam, việc sáp nhập hai ngành thể thao với du lịch về một mái nhà chung là Bộ VH-TT&DL cũng với mong muốn phát triển theo hướng kết hợp đó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bảo rằng: “Thể thao và du lịch Việt đồng sàng nhưng dị mộng!”.

Bằng chứng là ngay chính Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Đà Nẵng, người ta cứ tổ chức theo kiểu một đại hội thể thao đơn thuần để tìm kiếm huy chương hơn là sử dụng nó để phát triển du lịch.

 

TRƯỜNG HIỂ

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,295

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]