Các giấy tờ có giá được KBNN Thừa Thiên Huế quản lý an toàn, gọn gàng. Ảnh: Hạnh Thảo
Quản lý kho tiền an toàn
Bộ Tài chính cho biết, các quy định tại thông tư mới nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý cũng như để phù hợp mục tiêu cải cách hành chính và thực tiễn hoạt động của quỹ NSNN.
Theo đó, về trách nhiệm của công chức tham gia quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá tài sản quý được quy định theo hướng: tại KBNN, Vụ trưởng Vụ Kho quỹ là trưởng ban; Kế toán trưởng Sở Giao dịch và thủ kho là thành viên.
Tại KBNN tỉnh, huyện thì giám đốc là trưởng ban, các thành viên là kế toán trưởng và thủ kho.
Ngoài việc có chung trách nhiệm là trực tiếp mở, khóa cửa kho tiền; cùng vào ra kho tiền thì mỗi thành phần ban quản lý kho tiền có những trách nhiệm riêng. Cụ thể, các trưởng ban có trách nhiệm tổ chức, quản lý, đảm bảo an toàn bí mật tiền mặt, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác bảo quản trong kho tiền, trực tiếp tham gia kiểm quỹ, kiểm kê kho tiền theo quy định; xác định nguyên nhân thừa, thiếu tiền mặt...
Các kế toán trưởng có trách nhiệm quản lý, giám sát việc xuất, nhập tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý vào kho tiền; kiểm tra, đối chiếu số liệu thực tế kiểm kê với số liệu trên sổ kế toán và sổ kho quỹ, đồng thời kiểm soát việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn kho quỹ. Các thủ kho chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối và sắp xếp các loại tiền, tài sản trong kho gọn gàng, ngăn nắp; đối chiếu số liệu nhập, xuất, tồn kho tiền mặt, giấy tờ có giá trong khpo và các sổ nghiệp vụ của mình với sổ kế toán.
Vụ trưởng Vụ Kho quỹ KBNN, Giám đốc KBNN các tỉnh, huyện được ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện toàn bộ hoặc từng phần công việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý.
Kế toán trưởng được ủy quyền cho người khác trong tổ chức của mình có đủ điều kiện thực hiện toàn bộ hoặc từng phần công việc.
Tuy nhiên, việc ủy quyền này phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định.
Hiện nay, chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống KBNN đang được điều chỉnh bởi Quyết định số 61/2002/QĐ-BTC (QĐ 61) ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống KBNN. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, QĐ 61 đã không bao quát hết đối tượng được bảo quản trong kho tiền, trách nhiệm quản lý kho tiền đối với mỗi thành viên; chưa có quy định trong việc sử dụng và bảo quản chìa khóa két sắt của quầy giao dịch, két sắt trên xe ô tô chuyên dụng... Từ những bất cập này cũng như để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đòi hỏi các QPPL về quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý cần phải được ban hành thành thông tư nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quỹ NSNN. Đồng thời, Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 2/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/2/2002 của Chính phủ quy định quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống KBNN cần được cụ thể hóa bằng một văn bản QPPL đủ hiệu lực để thực hiện. QĐ 61 sẽ được bãi bỏ ngay khi Thông tư quy định chế độ quản lý tiền mặt, giất tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống KBNN có hiệu lực. |
Các quy định giao dịch kho bạc
Tại Thông tư được Bộ Tài chính ban hành cũng quy định việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá tại quầy giao dịch. Theo đó, mọi khoản thu, chi tiền mặt phải căn cứ vào chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ. Chứng từ kế toán của ngày nào phải thực hiện thu, chi ngay trong ngày đó, đồng thời phải ghi chính xác, kịp thời vào các sổ nghiệp vụ. Chứng từ thu, chi tiền mặt phải qua kế toán kiểm soát và được chuyển đến bộ phận thu, chi tiền mặt bằng đường nội bộ. Việc ghi sổ nghiệp vụ phải tuân thủ khi chi ghi trước, khi thu ghi sau.
Khách hàng nộp tiền mặt phải chứng kiến công chức kho bạc kiểm đếm. Trường hợp khách hàng nộp tiền nhưng việc kiểm, đếm giao nhận chưa hoàn thành do hết giờ làm việc, nếu khách hàng có nhu cầu gửi tiền tại kho tiền của KBNN thì tự niêm phong bao, hòm tiền trước sự chứng kiến của Ban quản lý kho và làm thủ tục gửi kho theo bao, hòm niêm phong.
Khách hàng khi nhận tiền mặt phải xuất trình giấy chứng minh tư nhân dân hoặc căn cước công dân, ghi rõ họ tên và ký trên chứng từ, bảng kê chi tiền đồng thời kiểm đếm, xác nhận đã nhận đủ tiền trước khi rời khỏi quầy giao dịch của KBNN. KBNN không chịu trách nhiệm đền bù số tiền mặt nếu thiếu, mất khi khách hàng đã ký tên trên chứng từ kế toán và bảng kê sau khi dời khỏi quầy giao dịch.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ, KBNN không thu vào quỹ các loại tiền khách hàng đem nộp như tiền giả, tiền nghi giả, tiền mẫu, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Nếu phát hiện các loại tiền này, công chức KBNN thu tiền phải lập tức lập biên bản, giữ hiện vật và xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định hình thức, quy trình kiểm kê riêng cho từng loại tiền, tài sản cho phù hợp, dễ thực hiện nhằm xác định chính xác tồn quỹ tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý thực tế đến cuối ngày,
Cụ thể, xử lý tiền mặt thừa, giấy tờ có giá, tài sản quý chưa rõ nguyên nhân thì hạch toán vào tài khoản ngoại bảng chờ xử lý; thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong bó, túi nguyên niêm phong thì công chức có tên ký trên niêm phong chịu trách nhiệm bồi hoàn; thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý do công chức nào quản lý thì công chức đó chịu trách nhiệm bồi hoàn, qua đó làm rõ trách nhiệm cho công chức kiểm đếm và quản lý tiền, tài sản.
An Nhi
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam Online