Xử lý dứt điểm văn bản nợ đọng trước 15/9

06/08/2015 08:23 AM

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quan tâm, tập trung chỉ đạo sâu sát việc nghiên cứu, soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh được phân công, trước mắt tập trung xử lý dứt điểm số văn bản nợ đọng thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành mình trước ngày 15/9 tới.

Tại Nghị quyết 56/NQ-CP  Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2015, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình xây dựng luật, pháp lệnh có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số lượng dự án luật, pháp lệnh xin lùi tiến độ trình Chính phủ còn nhiều, một số dự án luật chuẩn bị chưa tốt, chất lượng còn hạn chế. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết vững chắc.

Do vậy, bên cạnh yêu cầu các Bộ, ngành xử lý dứt điểm số văn bản nợ đọng trước ngày 15/9, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền lập hội của công dân

Về những định hướng lớn xây dựng Luật về hội, Chính phủ nhấn mạnh, việc nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng; bám sát và cụ thể hóa tinh thần và nội dung quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền lập hội của công dân; đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của hội là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và Điều lệ hội; dân chủ, bình đẳng, minh bạch; đề cao tính tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội dung của Luật về hội, đồng thời có các quy định riêng phù hợp với loại hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện và loại hội được thành lập theo các luật chuyên ngành; không điều chỉnh Mặt trận tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí hoạt động đối với 9 hội có đảng đoàn; các hội đặc thù thực hiện khoán kinh phí theo lộ trình.

Bộ Nội vụ được giao chủ trì, hoàn thiện dự án Luật, trình Chính phủ xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 8/2015.

Điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch

Về dự án Luật Quy hoạch, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cho rằng: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật Quy hoạch phải điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch phù hợp với tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Theo đó, Luật Quy hoạch sẽ quy định các loại quy hoạch, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và quản lý nhà nước đối với từng loại quy hoạch.

Để có đầy đủ cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Quy hoạch và bảo đảm tính khả thi của luật này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá những việc đã làm được và những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch trong thời gian qua, trong đó tập trung vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản và quy hoạch sản phẩm. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật này, trình Chính phủ tại Phiên họp tháng 8/2015 để xem xét, quyết định.

Triển khai thi hành hiệu quả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư

Về tình hình triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong những ngày đầu thi hành 2 luật này, những chính sách đổi mới quan trọng của 2 luật đã bước đầu phát huy hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp đón nhận tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều tăng so với cùng thời gian năm 2014. Các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai thi hành, bảo đảm hoạt động đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư về cơ bản không bị gián đoạn và xáo trộn.

Tuy nhiên, việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, trong đó có việc không ban hành đúng thời hạn các văn bản quy định chi tiết các luật này; một số thủ tục hành chính chưa được hướng dẫn kịp thời đã gây lúng túng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý ở địa phương trong việc áp dụng và thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm việc thực thi đầy đủ và có hiệu quả hai luật này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành để triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Đối với các dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ban hành quyết định hành chính; Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung do các Bộ trình và yêu cầu các Bộ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện.

Tuệ Văn

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,395

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]