20/02/2020 11:47

Ý kiến của con sẽ quyết định bố hay mẹ là người được quyền nuôi khi ly hôn?

Ý kiến của con sẽ quyết định bố hay mẹ là người được quyền nuôi khi ly hôn?

Khi mục đích hôn nhân không đạt được thì ly hôn là điều không thể tránh khỏi. Việc ly hôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới con cái, đặc biệt là con chưa thành niên. Khi đứa trẻ từ đủ 7 tuổi, nó có “quyền” được nói mong muốn của mình sẽ ở với ai – cha hay mẹ? Vậy khi ly hôn, ý kiến này của con có quyết định đến việc ai là người có quyền nuôi con không?

 

Dưới đây là những quy định của pháp luật về vấn đề này:

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“ 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Sau khi ly hôn, hai bên có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cha mẹ cũng xảy ra chuyện tranh giành nuôi con. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi con trong các trường hợp sau đây:

- Con chưa thành niên

- Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

“ 3. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.”

Mục 26 Phần IV Giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ cũng quy định như sau:

“Để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.”

Tòa án luôn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận giữa cha và mẹ của người con để quyết định ai sẽ là người được nuôi con. Do đó, cha, mẹ của người con có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau đối với con vào thời điểm trước, trong hoặc sau khi yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng hay quan hệ chung sống như vợ chồng.

Như vậy, theo các quy định trên, có thể thấy rằng sau khi ly hôn, việc quyết định ai có quyền nuôi con phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện về vật chất: ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…, các yếu  tố về tinh thần: việc chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con… Tòa án sẽ xem xét những yếu tố này một cách toàn diện nhằm đảm bảo quyền lợi về mọi mặt đối với con. Ý kiến của con không phải là ý kiến quyết định hoàn toàn người có quyền nuôi con mà chỉ mang tính tham khảo để Tòa án xem xét.

Thu Linh
2020

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn