12/06/2021 13:42

Vướng mắc trong thi hành án chủ động và thi hành án theo yêu cầu đối với một số vụ án liên quan đến tội hủy hoại rừng

Vướng mắc trong thi hành án chủ động và thi hành án theo yêu cầu đối với một số vụ án liên quan đến tội hủy hoại rừng

Qua công tác thực hiện việc thi hành án và kiểm sát việc thi hành án dân sự, chúng tôi thấy vẫn còn một số vụ việc liên quan đến việc ra quyết định thi hành án chủ động và thi hành án theo đơn yêu cầu đối với các vụ việc liên quan đến nhóm tội phạm về môi trường mà nhất là tội hủy hoại rừng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập và cần có những giải pháp khắc phục.

1.Chủ rừng hay nguyên đơn dân sự ?

1.1.Thực tiễn

Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự về hủy hoại rừng thì việc xác định ai là chủ rừng (Người bị hại) và ai là nguyên đơn dân sự có ý nghĩa rất quan trọng cho việc ra quyết định thi hành án dân sự, ra quyết định thi hành án như thế nào và ra quyết định từ thời điểm nào.

Theo quy định tại Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Và Điều 63 BLTTHS năm 2015 quy định: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Ngoài ra, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì bị hại còn có thêm một số quyền mà nguyên đơn dân sự không có như quyền được tham gia tố tụng ngay cả trong trường hợp không có yêu cầu, quyền trình bày buộc tội tại phiên tòa, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án để đề nghị tăng hoặc giảm hình phạt còn nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra không có quyền kháng cáo về hình phạt”.

 Thực tiễn xét xử, đa số các Tòa án địa phương đều xác định chủ thể tham gia tố tụng trong các vụ án về rừng thường theo loại rừng và việc phân cấp quản lý. Nhìn chung, đa phần các cơ quan tiến hành tố tụng đều xác định chính xác về tư cách tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay có một số nơi có sự chồng chéo về phân cấp quản lý, đơn vị quản lý, người có trách nhiệm quản lý.

Vụ thứ nhất: Tháng 12/2015, Phan Thị Bích H thuê 3 người phát và đốt 8.245 m2 đất rừng, loại đất rừng phòng hộ tại khu vực rừng Dương Dài thuộc xã Q, huyện N, tỉnh QN để lấy đất trồng keo lá tràm với giá 4.700.000 đồng. Đến tháng 6/2016, khi H thuê anh Ngô Phi C và chị Huỳnh Thị Bích L trồng keo lá tràm thì bị Hạt Kiểm lâm huyện N phát hiện lập biên bản. Qua kiểm đếm trên diện tích đất rừng có 375 cây thân gỗ bị chặt hạ. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 17,682 m3, bao gồm các cây thuộc nhóm IV đến nhóm VIII. Tổng giá trị bị thiệt hại theo kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là 87.808.000 đồng. Tòa án nhân dân huyện N đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Phan Thị Bích H 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng. Về dân sự: Bị cáo phải bồi thường cho Ủy ban nhân dân xã Q số tiền 87.808.000 đồng, bị cáo đã bồi thường được 15.000.000 đồng, còn lại phải tiếp tục bồi thường 72.808.000 đồng.                 

Trong vụ án này, Tòa án xác định nguyên đơn dân sự là UBND xã Q, huyện N, tỉnh QN.          

Vụ thứ hai: Cuối năm 2019, Ngô Thị T đến khu vực Hòn Dung thuộc khoảnh 2, tiểu khu 456 thôn Tứ Nhũ, xã Q, huyện N, tỉnh QN thuê 4 người phát dọn 11.400 m2 đất rừng sản xuất để trồng cây keo lá tràm. Số lượng cây gỗ bị chặt hạ là 280 cây với trữ lượng 15.972 m3. Tổng giá trị bị thiệt hại theo kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là 53.116.305 đồng. Tòa án nhân dân huyện N đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Ngô Thị T 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng. Về dân sự: Bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 51.116.305 đồng, bị cáo đã bồi thường được 5.000.000 đồng, còn lại phải tiếp tục bồi thường là 48.116.305 đồng.                 

Trong vụ án này, Tòa án xác định nguyên đơn dân sự là UBND xã Q, huyện N, tỉnh QN.          

1.2.Cơ sở pháp lý của việc ra quyết định thi hành án dân sự

Tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự hiện hành (Luật năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định như sau:

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước…

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Tại điểm 3 khoản 4 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định như sau: 3. Các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự bao gồm: Khoản truy thu thuế, khoản viện trợ cho Nhà nước; khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

2.Bất cập, vướng mắc

Đối với vụ án thứ nhất, Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh QN ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của UBND xã Q, huyện N, vì tại thời điểm Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có hiệu lực thi hành nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện N vẫn xác định đây là trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu vì chưa có hướng dẫn cụ thể và vì nguyên đơn dân sự trong vụ án này được TAND huyện N xác định là UBND xã Q, huyện N, tỉnh QN. Việc bồi thường này là để UBND xã Q – chủ rừng thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả do hành vi hủy hoại rừng gây nên.

Tuy nhiên, việc xác định loại việc thuộc trường hợp thi hành án chủ động hay thi hành án theo đơn yêu cầu có ý nghĩa rất quan trọng trong khâu thi hành án dân sự. Việc thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án được tiến hành theo trình tự, thủ tục riêng và bắt buộc phải có đơn yêu cầu thi hành án, trong đó có việc “Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có” theo điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự hiện hành. Do đó, trong trường hợp này bắt buộc UBND xã Q phải có đơn yêu cầu thi hành án và đơn này phải còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Đối với vụ án thứ hai, hiện nay có 2 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp này bản án xác định nguyên đơn dân sự vẫn UBND xã Q, huyện N nên vẫn thuộc trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu như trường hợp nêu trên.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp này thuộc loại thi hành án dân sự chủ động, bởi: Nhà nước là một chủ thể đặc biệt, UBND là cơ quan nhà nước do nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Theo đó, UBND cấp xã được phân cấp quản lý rừng tại địa phương nên UBND xã là chủ rừng, là bị hại trực tiếp trong các vụ án hủy hoại về rừng, có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, xử lý nghiêm người vi phạm và được bồi thường theo quy định. Do vậy, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì Cơ quan Thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án theo như hướng dẫn tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 lại có quy định: “… khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng”. Theo như hướng dẫn này thì trường hợp này lại không thuộc khoản bồi thường cho Nhà nước, bởi tội “Hủy hoại rừng” thuộc chương XIX các tội phạm về môi trường chứ không thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

3.Một số kiến nghị, đề xuất

Để áp dụng pháp luật được thống nhất, mang tính toàn diện, tạo sự công bằng và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong quá trình thi hành án dân sự, theo chúng tôi cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành án dân sự  và các văn bản thi hành theo hướng:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng hiện đại, cụ thể hóa bằng điều luật để tiến hành thực hiện một cách thống nhất trong phạm vi toàn quốc nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, hoàn thiện quy định và thực hiện thống nhất về tên gọi, cách ghi trong bản án hình sự về tên gọi, tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể, người tham gia tố tụng là UBND xã A hay cơ quan Nhà nước. Cần quy định rõ là bồi thường cho UBND xã hay bồi thường cho Nhà nước. Theo chúng tôi, cần ghi rõ là bồi thường cho UBND xã để dễ thực hiện và đúng với bản chất của vấn đề.

Thứ ba, theo chúng tôi trong trường hợp này là bồi thường cho nhà nước và nhà nước được xác định cụ thể ở đây là UBND xã Q, huyện N, tỉnh QN. Trường hợp này được xác định là thi hành án chủ động chứ không phải là trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu. Do đó, theo chúng tôi cần phải sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự hiện hành theo hướng: Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; khoản bồi thường cho Nhà nước và các khoản thu khác cho Nhà nước;

Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước và người được thi hành án cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ theo hướng “… khoản bồi thường cho Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, tham nhũng”./.

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành án chủ động và thi hành án theo yêu cầu đối với một số vụ án liên quan đến tội hủy hoại rừng, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến và trao đổi của quý bạn đọc.

VÕ XUÂN TUẤN (Phó viện trưởng VKSND huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam)

VÕ VĂN THỂ (Thẩm phán TAND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1176

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]