27/07/2024 17:32

Thanh tra Bộ đội Biên phòng thuộc cơ quan nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ đội Biên phòng là gì?

Thanh tra Bộ đội Biên phòng thuộc cơ quan nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ đội Biên phòng là gì?

Theo quy định hiện nay, Thanh tra Bộ đội Biên phòng trực thuộc cơ quan nào? Thanh tra Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

1. Thanh tra Bộ đội Biên phòng thuộc cơ quan nào? 

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 33/2014/NĐ-CP về thanh tra Bộ đội Biên phòng như sau:

“Thanh tra Bộ đội Biên phòng là cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, giúp Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý, chỉ đạo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; thanh tra chuyên ngành việc thực hiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên địa bàn biên giới, hải đảo, vùng biển, các cửa khẩu trong phạm vi quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, Thanh tra Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cơ quan này giúp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý, chỉ đạo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng...

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ đội Biên phòng là gì?

Theo đó, Thanh tra Bộ đội Biên phòng có một số nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 26 Nghị định 33/2014/NĐ-CP, bao gồm:

(1) Xây dựng kế hoạch thanh tra trình Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

(2) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn, kế hoạch nhà nước về quốc phòng, các chỉ thị, mệnh lệnh, quy định của Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

(3) Tổ chức thanh tra hoặc phối hợp với thanh tra các cấp tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên địa bàn biên giới, hải đảo, vùng biển, các cửa khẩu trong phạm vi quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng.

(4) Thanh tra vụ việc khác do Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao.

(5) Giúp Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý, chỉ đạo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

(6) Giúp Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

(7) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đối với cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng. Tổng hợp báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý.

(8) Quản lý công tác thanh tra và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho chỉ huy, cơ quan, đơn vị và Thanh tra quốc phòng cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; thực hiện sơ kết, tổng kết, thông tin, báo cáo và tham gia biên soạn tài liệu nghiệp vụ ngành Thanh tra quốc phòng.

Như vậy, Thanh tra Bộ đội Biên phòng có các nhiệm vụ chính bao gồm: xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ về quốc phòng trong các đơn vị thuộc quyền quản lý; thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng; theo dõi thực hiện kết luận thanh tra; quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho các đơn vị trực thuộc…

3. Mối quan hệ của Thanh tra quốc phòng

Thanh tra quốc phòng có trách nhiệm thực hiện và giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, mối quan hệ của Thanh tra quốc phòng như sau:

- Thanh tra Bộ Quốc phòng chịu sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

- Thanh tra quốc phòng các cấp chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, chỉ huy của người chỉ huy cùng cấp, sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra quốc phòng cấp trên trực tiếp.

- Quan hệ giữa cơ quan thanh tra trong Bộ Quốc phòng với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và của Bộ Quốc phòng.

- Quan hệ giữa cơ quan Thanh tra quốc phòng các cấp với các cơ quan thanh tra các bộ, ngành, địa phương là mối quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

(Căn cứ Điều 7 Nghị định 33/2014/NĐ-CP).

Nguyễn Ngọc Trầm
10

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn