26/06/2021 14:18

Nhầm lẫn giữa quyền hưởng thừa kế của vợ đối với di sản của chồng và quyền hưởng thừa kế của con dâu đối với di sản của cha mẹ chồng

Nhầm lẫn giữa quyền hưởng thừa kế của vợ đối với di sản của chồng và quyền hưởng thừa kế của con dâu đối với di sản của cha mẹ chồng

Trong bài viết “Con dâu có quyền yêu cầu chia di sản của cha mẹ chồng trong vụ án tranh chấp thừa kế tài sản hay không?” đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 24/6/2021, tác giả có sự nhầm lẫn giữa quyền hưởng thừa kế của vợ đối với di sản của chồng và quyền hưởng thừa kế của con dâu đối với di sản của cha mẹ chồng.

Tác giả bài viết thể hiện quan điểm rằng con dâu có quyền được hưởng di sản của cha mẹ chồng để lại nếu tại thời điểm mở thừa kế của cha mẹ chồng, người chồng đã chết.

1. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền thừa kế của con dâu đối với di sản của cha mẹ chồng

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định quyền hưởng di sản thừa kế gồm hai trường hợp: hưởng di sản thừa kế theo di chúc và hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Theo đó, Điều 609 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.” Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí của người lập di chúc, cho nên người có quyền hưởng di sản theo di chúc có thể là bất kỳ ai miễn là người đó có tên trong di chúc của người chết. Điều 624 BLDS 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Như vậy, BLDS không giới hạn quyền hưởng thừa kế theo di chúc. Cụm từ “người khác” ở trong khái niệm di chúc được hiểu là bất kỳ người nào, không phân biệt có quan hệ thân thích gì đối với người lập di chúc. Chính vì vậy, con dâu nếu có tên trong di chúc của cha mẹ chồng thì có quyền hưởng thừa kế theo di chúc như bao chủ thể khác (chẳng hạn như một trung tâm bảo trợ xã hội, một cụ già neo đơn,…) miễn sao người lập di chúc muốn cho họ hưởng và ghi tên họ trong di chúc. Con dâu có yêu thương, chăm sóc cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ nhưng nếu không được cha mẹ chồng ghi tên trong di chúc cho hưởng di sản thì con dâu cũng không được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chồng.

Đối với quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, con dâu không đương nhiên là người thừa kế theo pháp luật của cha mẹ chồng. Theo quy định về hàng thừa kế tại Điều 651 BLDS 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất gồm “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.” Như vậy, con dâu không nằm trong hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản vì BLDS chỉ quy định giới hạn con đẻ và con nuôi. Con dâu cũng không được liệt kê tại hàng thừa kế thứ hai và thứ ba tại Điều 651 BLDS 2015. Mặt khác, tại các Điều 653 và Điều 654 BLDS 2015 cũng chỉ quy định về quyền thừa kế của con nuôi đối với di sản của cha, mẹ nuôi và quyền thừa kế của con riêng đối với di sản của cha dượng, mẹ kế mà không có quy định nào cho con dâu hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cha mẹ chồng. Vậy, con dâu không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của cha mẹ chồng.

2. Về thực tiễn áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản

Bài viết của tác giả Bạch Mai đề cập đến nội dung một vụ án tranh chấp về di sản thừa kế, trong đó người con dâu kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ chồng. Nội dung vụ án được tóm lược như sau: Ông Lê N chết năm 1992, bà Nguyễn Đ chết năm 1985. Ông N và bà Đ có 3 người con chung, không có con riêng, không có con nuôi gồm: Ông Lê C (chết năm 2004), bà Lê D và bà Lê X. Ông Lê C có vợ là bà V và 2 người con là Lê A, Lê B.

Lúc sinh thời, ông Lê N và bà Nguyễn Đ có tạo lập được diện tích đất 300m2 (qua đo đạc thực tế là 450m2), loại đất thổ cư, thuộc thửa 22, tờ bản đồ số 03, toạ lạc ấp V, xã V, huyện T, tỉnh Y. Ông Lê  N và bà Nguyễn Đ chết không để lại di chúc. Nay phía bà Lê X có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Lê N và bà Nguyễn Đ. Quá trình giải quyết, bà V là vợ của ông Lê C có yêu cầu được nhận di sản thừa kế của ông N và bà Đ.

Tại Bản án sơ thẩm của Tòa án huyện T đã nhận định và xác định hàng thừa kế của ông N và Đ để được hưởng di sản như sau: Ông Lê C (chết năm 2004), các con của ông C là người thừa kế thế vị;  bà Lê D và bà Lê X.

Sau đó, TAND tỉnh Y nhận được đơn kháng cáo của đương sự (con dâu) kháng cáo yêu cầu được hưởng 1 phần di sản do cha mẹ chồng để lại. 

Về yêu cầu hưởng thừa kế di sản của cha mẹ chồng của bà V có hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất, xác định đây là vụ án dân sự tranh chấp thừa kế tài sản và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 5 Điều 26 BLTTDS năm 2015 và xác định bà V (con dâu) và các con của ông Lê C là người hưởng thừa kế. Theo quan điểm thứ hai, trường hợp này Tòa án chỉ xác định các con của ông Lê C  là người thừa kế thế vị mới có quyền hưởng di sản. Tác giả Bạch Mai đồng ý với quan điểm thứ 1.

Tác giả bài viết này không đồng tình với quan điểm của tác giả Bạch Mai và một phần quan điểm của bản án sơ thẩm trong vụ án trên, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, bà V là con dâu của ông N và bà Đ nên không phải là người thừa kế theo pháp luật của ông N và bà Đ theo quy định của BLDS 2015. Mặt khác, bà V cũng không phải là người thuộc diện thừa kế theo di chúc của ông N bà Đ vì ông bà chết không để lại di chúc. Việc bà V yêu cầu được hưởng di sản trong trường hợp trên phải xác định là bà V yêu cầu hưởng di sản từ chồng của bà là ông C chứ không phải hưởng di sản của cha mẹ chồng. Bởi vì, tại thời điểm mở thừa kế của ông N và bà Đ thì ông C còn sống, nên khi chia di sản thừa kế của ông N, bà Đ phải chia cho ông C một suất. Như vậy, những người trong cùng một hàng thừa kế được hưởng di sản của ông N và bà Đ là ông C, bà D và bà X.

Vì ông C đã chết trước thời điểm phân chia di sản (2004) nên suất thừa kế mà ông C được hưởng từ cha mẹ sẽ trở thành di sản của ông C. Đối với di sản của ông C thì bà V và các con là A và B được hưởng. Cũng vì bà V là người thừa kế của ông C nên bà V cũng có quyền được phân chia một phần di sản trong khối tài sản đó. Tuy nhiên, phải hiểu rằng bà V được hưởng di sản của chồng (ông C) chứ không phải hưởng di sản của cha mẹ chồng. Nếu ông C còn sống thì bà V không được hưởng. Vì vậy, trường hợp này không phải là con dâu hưởng thừa kế di sản của cha mẹ chồng.

Thứ hai, khi phân chia di sản của ông N và bà Đ thì ông C đã chết, nhưng tại thời điểm mở thừa kế của ông N, bà Đ thì ông C còn sống nên ông C là người thừa kế thuộc hàng thứ nhất được hưởng thừa kế của ông N, bà Đ theo Điều 613 BLDS 2015. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định A và B là người thừa kế thế vị được hưởng di sản là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 652 BLDS 2015 thì “khi con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.” Như vậy, thừa kế thế vị không xuất hiện trong trường hợp con của người để lại di sản chết sau thời điểm mở thừa kế của người để lại di sản. Cho dù tại thời điểm phân chia di sản, ông C đã chết nhưng tại thời điểm mở thừa kế của ông N và bà Đ thì ông C vẫn còn sống nên A và B không thể được thế vị. Chính vì vậy, khi phân chia di sản của ông N và bà Đ phải chia cho ông C một suất, và suất của ông C lại tiếp tục chia cho vợ và con của ông C vì họ là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông C.

Vậy, trong vụ án trên, do Tòa án cấp sơ thẩm không cho bà V hưởng thừa kế nên bà V kháng cáo là có cơ sở. Tuy nhiên, cần phải xác định bà V kháng cáo yêu cầu được hưởng di sản của chồng trên cơ sở thừa kế chuyển tiếp từ di sản của cha mẹ chồng, chứ không phải bà V yêu cầu được hưởng di sản của cha mẹ chồng. Nếu Tòa án xác định bà V kháng cáo yêu cầu hưởng di sản của cha mẹ chồng, từ đó bác yêu cầu của bà V là chưa bảo đảm quyền lợi của bà V.

Ths PHAN THỊ HỒNG  (Giảng viên trường Đại học Luật, ĐH Huế)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1093

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]